Lý do đề xuất chưa đầu tư hoàn chỉnh đường vành đai 3

Việc đầu tư giai đoạn hoàn thiện của dự án vành đai 3 được thực hiện sau năm 2030.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT về phương án đầu tư, nâng cấp đường vành đai 3 đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Lý do chưa đầu tư hoàn chỉnh đường vành đai 3

Theo UBND TP, quy mô phân kỳ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM được đầu tư 4 làn cao tốc hạn chế (vận tốc 80 km/h), bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m; chiều rộng mỗi làn là 3,75 m.

Vành đai 3 được bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục, so le (bố trí các đoạn dừng xe khẩn cấp với khoảng cách trung bình 5 km/vị trí theo tiêu chuẩn cơ sở).

 Chưa đầu tư hoàn chỉnh vành đai 3 để làm 1 số dự án trọng điểm khác Ảnh: ĐT

Chưa đầu tư hoàn chỉnh vành đai 3 để làm 1 số dự án trọng điểm khác Ảnh: ĐT

Ngoài ra, đường vành đai 3 là cao tốc đô thị, ngoài các đoạn dừng xe khẩn cấp, trên tuyến bố trí các nút giao, chỗ ra, vào cao tốc với khoảng cách từ 5-10 km để điều tiết giao thông khi xảy ra sự cố (nếu có).

UBND TP báo cáo tại thời điểm lập, trình quyết định chủ trương đầu tư dự án vành đai 3, dự báo lưu lượng giao thông, quy mô phân kỳ đầu tư được tính toán phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực.

Giai đoạn phân kỳ đầu tư áp dụng các yếu tố bề rộng mặt cắt ngang (số làn xe, bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục), các yếu tố kỹ thuật khác đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc để thuận lợi cho việc mở rộng trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, việc đầu tư giai đoạn hoàn thiện của dự án vành đai 3 được thực hiện sau năm 2030.

Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, đầu tư nâng cấp đường vành đai 3 đạt quy mô hoàn chỉnh không thuộc nhóm dự án ưu tiên đầu tư.

Bên cạnh đó, trong trường hợp đầu tư nâng cấp đường vành đai 3 đạt quy mô hoàn chỉnh cần phải xem xét các điều kiện pháp lý để đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định.

Dồn nguồn lực để làm các dự án trọng điểm khác

UBND TP cho biết trong điều kiện hiện nay, các địa phương đang tập trung đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn như đường vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các dự án trọng điểm khác trên địa bàn các địa phương.

Do đó, việc cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để nâng cấp đường vành đai 3 là rất khó khăn.

 Dự án vành đai 3 TP.HCM đang được tích cực triển khai. Ảnh: Trường Giang

Dự án vành đai 3 TP.HCM đang được tích cực triển khai. Ảnh: Trường Giang

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai dự án đường vành đai 4 nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn. UBND tỉnh Bình Dương đang kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét trình cấp thẩm quyền bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoảng 8.796 tỉ đồng).

Đặc biệt, theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, đến năm 2026 khi các dự án đường vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác, lưu lượng giao thông qua nút giao thông Tân Vạn sẽ được phân bổ lại theo hướng được dự báo sẽ giảm (đặc biệt là hướng từ cầu Đồng Nai về Tân Vạn - Mỹ Phước).

Từ các phân tích trên, UBND TP nhận thấy việc đầu tư, nâng cấp đường vành đai 3 đạt quy mô hoàn chỉnh không thuộc nhóm dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án vành đai 3 thuộc nhóm ưu tiên đầu tư sau cùng (nhóm 4).

Hiện nay, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đã được phê duyệt, khởi công; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đắp nền đường và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Đặc biệt là rà soát các bất cập (nếu có) để điều chỉnh thiết kế, tránh ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án vành đai 3 giai đoạn hoàn thiện và việc điều chỉnh nên cân đối trong tổng mức đầu tư dự án thành phần đã được phê duyệt.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-de-xuat-chua-dau-tu-hoan-chinh-duong-vanh-dai-3-post791245.html