Luật hóa công tác phòng cháy tại chỗ, ngay tại nhà dân

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, vừa qua công tác phòng cháy được quan tâm về trang thiết bị, lực lượng. Tuy nhiên, cần làm tốt công tác phòng cháy tại chỗ, ngay tại nhà dân...

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Phòng cháy chữa cháy từ quy hoạch

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, 10 năm qua, cả hệ thống chính trị “lo” cho công tác PCCC. Tuy nhiên, cháy nổ vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Nhiều vụ cháy nổ thảm khốc ở Hà Nội, TP.HCM là “bài học đắt giá”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Cho rằng, cháy nổ là mối lo ngại thứ ba của người dân sau tai nạn, thiên tai, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao việc xây dựng dự án Luật.

“Dù chỉ mới đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh, nhưng đây là dự án Luật tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Do vậy, cần nghiên cứu, khắc phục nhưng bất cập, bảo đảm an toàn, tính mạng người dân gắn với đời sống kinh tế- xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Đi vào các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại tính mạng, tài sản do thiết kế đường xá không đủ cho xe PCCC. Do vậy, xây dựng luật cần làm tốt công tác quy hoạch, phục vụ công tác PCCC.

“Thực tế có địa phương xe PCCC chỉ chữa cháy được ở các tòa nhà quy mô cao 5-7 tầng, còn cao hơn thì không. Mình cấp phép số tầng vượt năng lực PCCC. Do vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch. Hạn chế tối đa vụ cháy, gây ảnh hưởng đến tài sản tính mạng nhân dân”, ông Mẫn nói.

Đề cập đến việc, nhiều vụ cháy thiệt hại về người do người dân hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị dự thảo Luật nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về PCCC.

Đặc biệt, liên quan đến hoạt động PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, vừa qua công tác “phòng cháy” được quan tâm về trang thiết bị, lực lượng. Tuy nhiên, cần làm tốt công tác phòng cháy tại chỗ, ngay tại nhà dân, vì “phòng cháy tại chỗ mới quan trọng, chứ gọi 113 thì cháy rồi”.

Phó Chủ tịch đề nghị dự thảo Luật nên làm rõ “phòng hơn chống, luật hóa và phân cấp phân quyền rõ hơn, đảm bảo khả thi”. Tương tự như vậy, đối với quy định PCCC nhà ở, dự thảo Luật chưa có điểm mới. “Thực tế cháy nhà dân là chủ yếu, cần quy định cụ thể điều kiện gắn với nhà ở sản xuất kinh doanh”.

Cùng quan điểm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng , Điều 13 dự thảo Luật quy định liên quan đến công tác quy hoạch về PCCC. Tuy nhiên, những quy định như thế này lại chưa có trong Luật Quy hoạch. Do vậy, cần thiết kế cụ thể rõ ràng hơn, tránh tình trạng “cháy nhà dân, nhưng xe PCCC lại không vào được”.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Về chế độ chính sách với người tham gia PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, tách bạch chế độ giữa lực lượng chuyên trách và người dân khi tham gia PCCC, phù hợp với các quy định pháp luật.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định “ranh giới” thực hiện PCCC với “sự cố” theo Luật Phòng thủ dân sự. Vì khi sự cố xảy ra, cần nhất là cứu chữa, “cần thiết kế đủ rõ để thuận lợi cho người dân, để liên hệ khi xảy ra trường hợp cấp bách”.

Đưa PCCC, CNCH vào chương trình giáo dục

Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, 10 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH được 20.857 vụ; trong đó thực hiện CNCH đối với 13.613 vụ cháy; cứu được 6.468 người; tìm kiếm được 3.129 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều. Về phòng cháy, dự thảo Luật kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Về chữa cháy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH mà lực lượng PCCC và CNCH đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 7), Ủy ban QPAN đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.

“Thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo và trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đào tạo trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH và bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội”, ông Tới nói.

Về lực lượng PCCC và CNCH (Chương V), theo ông Tới, cần nghiên cứu, phát triển hoạt động PCCC và CNCH tình nguyện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới; đồng thời, nghiên cứu, quy định chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút được người dân tham gia.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/luat-hoa-cong-tac-phong-chay-tai-cho-ngay-tai-nha-dan-430406.html