Lợi và hại khi ChatGPT đề xuất biểu cảm khóc, cười cho diễn viên

Theo Smartclick, từ kịch bản, diễn viên đến các kỹ xảo đặc biệt hay khâu phân phối, 'AI đang thay đổi cả cách làm phim và xem phim'.

ChatGPT hiện là một trong các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội những ngày nay. Đây là một chatbot do OpenAI phát triển, với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer. Sau khi được tung ra thị trường, công cụ này đã gây kinh ngạc bởi sự thông minh và tính nhạy bén của nó.

ChatGPT có thể giúp người dùng trả lời câu hỏi ở đa dạng lĩnh vực, thậm chí hỗ trợ họ giải toán, thiết kế, soạn nhạc hay thậm chí là viết code, sửa lỗi lập trình,... Thu hút hàng trăm triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, ứng dụng này tạo đã nên “cơn sốt” phủ sóng toàn cầu.

Ứng dụng AI trong điện ảnh

Thực chất, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ được ứng dụng trong cuộc sống mà còn là một nội hàm thú vị trong nghệ thuật. Không riêng ChatGPT, AI trước đó từng hiện diện dưới nhiều hình thái khác nhau. Trong phim ảnh, AI được ví như thứ chất liệu “làm giàu” những sáng tạo của đội ngũ biên kịch. Thậm chí, từng có thời điểm, sự xuất hiện của AI thay đổi cuộc chơi, mở ra những cơ hội tuyệt vời cho các nhà làm phim trên hành trình chinh phục bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Không ngoa khi nhận xét rằng, trí tuệ nhân tạo đã “cách mạng hóa” ngành công nghiệp điện ảnh. Theo đánh giá của Smartclick, từ kịch bản, diễn viên đến các kỹ xảo đặc biệt hay khâu phân phối, “AI đang thay đổi cả cách làm phim và xem phim”.

Trên thực tế, AI có thể tham gia vào bất cứ công đoạn nào trong quá trình làm phim. Ví như việc tạo ra kịch bản – xương sống của một dự án điện ảnh. Các thuật toán sẽ tổng hợp và phân tích dữ liệu, từ đó tạo nên những kịch bản độc đáo. Quan trọng hơn, nó giúp các nhà làm phim tiết kiệm một lượng lớn thời gian. Thậm chí, AI còn có thể được dùng để phân tích kịch bản có sẵn bằng cách nghiên cứu cốt truyện, tìm ra những lỗ hổng và đề xuất giải pháp.

The Safe Zone được tạo ra bởi ChatGPT.

The Safe Zone được tạo ra bởi ChatGPT.

Quy trình tiền sản xuất và sản xuất cũng trở nên hiệu quả nhờ AI đơn giản hóa các công việc. Đơn cử như lên lịch trình hay tìm kiếm, đưa ra những địa điểm, bối cảnh thích hợp. Việc casting (tuyển chọn diễn viên) trở nên nhanh chóng hơn khi AI có thể chủ động tìm kiếm dựa trên tiêu chí cụ thể về ngoại hình/giọng nói của nhà sản xuất. AI cũng trực tiếp tham gia vào việc tạo nên các nhân vật xuất hiện trên phim, chẳng hạn Agent Smith trong The Matrix, Data trong Star Trek hay Thanos trong Avengers: Endgame,...

Theo Soundstripe, AI còn được dùng để soạn nhạc, tối ưu hóa góc quay, hiệu chỉnh sáng và xử lý các khía cạnh kỹ thuật khác, giúp tiết kiệm thời gian và công sức của đoàn làm phim.

Sunspring (2016) là một trong số bộ phim ngắn đầu tiên do AI tự viết kịch bản. Tác phẩm dài 9 phút được đạo diễn bởi Oscar Sharp hợp tác cùng Ross Goodwin. Thuộc đề tài khoa học viễn tưởng, nội dung Sunspring chưa mấy ấn tượng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nỗ lực của ê-kíp cùng khả năng sáng tạo của AI. Hay mới đây, ChatGPT đã tự viết kịch bản và đạo diễn The Safe Zone (2022). Lấy bối cảnh trong một tương lai đen tối, nơi trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh thế giới. Các nhân vật chính - Emily, Lucy và Jake – buộc phải đưa ra quyết định: ai trong số họ sẽ đến "vùng an toàn" do chính phủ phê chuẩn, và ai là người bị bỏ lại để sống trong thế giới cai trị bởi AI.

Điều làm cho The Safe Zone trở nên độc đáo là việc ChatGPT đã tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình làm phim. Sau khi hoàn thành kịch bản, nhà sản xuất đã yêu cầu ứng dụng này tạo danh sách cảnh quay của dự án. Nó đã phản hồi chi tiết về vị trí máy quay, diễn viên, ánh sáng, thậm chí là biểu cảm của từng nhân vật trong một cảnh phim. Kỳ diệu hơn, ChatGPT còn có thể đề xuất trang phục, đạo cụ của dàn cast, cũng như các cách dẫn chuyện sáng tạo. Những chi tiết này sau đó được nhập vào các công cụ tạo hình ảnh do AI cung cấp để tạo ra bảng phân cảnh. Sau khi dự án chính thức bấm máy, các nhà sản xuất còn yêu cầu ChatGPT cung cấp thêm thông tin về công đoạn xử lý hậu kỳ.

 AI tạo nên các nhân vật điện ảnh thú vị.

AI tạo nên các nhân vật điện ảnh thú vị.

Lợi ích nhiều, nhưng liệu có hoàn hảo?

Bên cạnh việc tham gia vào các công đoạn làm phim, AI từ lâu cũng là đề tài được các nhà làm phim khai thác trên màn ảnh rộng. Thông thường, chúng xuất hiện trong các dòng phim khoa học viễn tưởng hoặc siêu anh hùng.

Trở lại những giai đoạn đầu tiên của điện ảnh, trí tuệ nhân tạo chào sân trong hình thái người máy. AI lúc này hiện diện trong vỏ bọc robot, thường có hình dáng tương tự loài người, nhưng lõi máy. Dù kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ, ý tưởng này thời bấy giờ vẫn thu hút hàng loạt người người xem. Một số phim/series nổi tiếng khai thác chủ đề này chẳng hạn Robocop, Star Wars và điển hình là Terminator.

Nhận thức về AI trở nên tiến bộ khi các nhà làm phim không xây dựng chúng đơn thuần là robot. AI trở nên tân tiến hơn, tồn tại dưới dạng phần mềm hoặc mạng thần kinh nhân tạo. Đó là Skynet trong Terminator, Ultron trong Age of Ultron hay JARVIS trong series Avengers Người Sắt... Kể từ đó, AI ngày càng được mở rộng góc khám phá và trở nên hoàn thiện. Chúng có cảm xúc, biết cách bộc lộ tình cảm hoặc thậm chí trưởng thành như một con người đích thực, chẳng hạn WALL-E hay Chappie...

 Là trí tuệ nhân tạo nhưng WALL-E cũng có cảm xúc.

Là trí tuệ nhân tạo nhưng WALL-E cũng có cảm xúc.

Bailey Graham - cây bút của Raindance - cho rằng trí tuệ nhân tạo đã thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh một cách đáng ngạc nhiên. Hầu hết khía cạnh của quy trình làm phim đều được công nghệ chạm tới. Ngược lại, AI cũng được khai thác toàn diện hơn trên màn ảnh dưới bàn tay của các nhà làm phim.

Trên hết, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều cánh cửa tương lai cho lĩnh vực này. Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, nó cho phép các doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí lao động và gia tăng doanh thu. Chưa kể, khán giả cũng được hưởng lợi từ những trải nghiệm điện ảnh mới, hiện đại hơn, kỳ vỹ hơn.

Dù lợi ích có nhiều, không phải AI không có mặt hại. Một trong những mối trăn trở lớn nhất là nguy cơ AI thay thế vị trí của những người sáng tạo. Khi các thuật toán trở nên tiên tiến hơn, đội ngũ biên kịch, đạo diễn casting và các nghệ sĩ VFX dần mất đi công việc của mình.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-va-hai-khi-chatgpt-de-xuat-bieu-cam-khoc-cuoi-cho-dien-vien-post1399791.html