Làm sâu sắc thêm hợp tác song phương Việt Nam-Liên bang Nga

Trong năm nay, hai nước kỷ niệm 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như 30 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nga.

Các đại biểu xem triển lãm ảnh về Liên bang Nga tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ngày 15/5. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các đại biểu xem triển lãm ảnh về Liên bang Nga tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ngày 15/5. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 15/5, tại buổi gặp gỡ báo chí ở Hà Nội, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định: Việt Nam là đối tác truyền thống, chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga. Hai nước được liên kết bởi nền lịch sử chung nhiều thập kỷ, chan chứa tình hữu nghị bền chặt và sự hợp tác cùng có lợi theo nhiều hướng.

Việt Nam-Nga: Tình hữu nghị bền chặt

"Về tổng thể chúng tôi hài lòng với sự phát triển của sự đối thoại chính trị giữa hai nước. Chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật, quân sự, kỹ thuật quân sự, và nhân đạo trong điều kiện địa chính trị mới. Chúng tôi nêu bật sự gần gũi trong cách tiếp cận của Moscow và Hà Nội đối với nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế. Chúng tôi đang tiến hành sự phối hợp hành động chặt chẽ thông qua sự kết nối giữa hai Bộ Ngoại giao," Đại sứ Bezdetko khẳng định.

 Đại sứ Gennady Bezdetko phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại sứ Gennady Bezdetko phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đề cập đến sự kiện ông Putin nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 7/5 vừa qua, Đại sứ Gennady Bezdetko cho biết ngay sau lễ nhậm chức, người đứng đầu nhà nước Nga đã xác nhận các mục tiêu phát triển chính của Nga cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036.

Những mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tỷ lệ sinh, cải thiện sức khỏe, nâng cao phúc lợi, hỗ trợ gia đình, phát huy tiềm năng của mỗi người dân cụ thể, phát triển tài năng của họ, giáo dục những công dân yêu nước và có trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện sống thoải mái và an toàn, cải thiện tình hình môi trường, duy chỉ số kinh tế vĩ mô và động lực phát triển kinh tế cao, đảm bảo vị thế dẫn đầu về công nghệ; thực hiện các chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và đô thị địa phương, kinh tế và lĩnh vực xã hội.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra là gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài tại các trường đại học trong nước lên 500 nghìn người và hơn thế vào năm 2030; tạo điều kiện cho sự phát triển của du lịch sinh thái, tăng tỷ lệ hộ gia đình có thể truy cập Internet lên 99% vào năm 2036; đảm bảo cung cấp các máy bay được sản xuất trong nước cho các hãng hàng không Nga.

Đại sứ Gennady Bezdetko cũng nhấn mạnh đến cuộc điện đàm ngày 26/3 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, hai nhà Lãnh đạo trao đổi và nhất trí về một số định hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới trên các lĩnh vực như an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, văn hóa, du lịch... Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng mời Tổng thống Vladimir Putin sớm thăm chính thức Việt Nam và Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời.

Đại sứ Gennady Bezdetko cho biết, hai bên đang chuẩn bị nội dung cụ thể cho chuyến thăm, kỳ vọng chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới để làm sâu sắc thêm hợp tác song phương giữa hai nước.

Tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục

Trong năm nay, Đại sứ quán Nga cùng Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội sẽ tiến hành nhiều hoạt động hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nước.

Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin khẳng định Nga tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Một trong những hướng hợp tác giáo dục quan trọng đó là tổ chức cho sinh viên Nga thực tập tại Việt Nam.

 Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin chia sẻ về hợp tác văn hóa giữa hai nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin chia sẻ về hợp tác văn hóa giữa hai nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Năm 2024 đánh dấu tròn 70 năm kể từ ngày những sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học tại Liên Xô vào năm 1954. Từ năm 2019, Việt Nam được Chính phủ Nga cấp 1.000 suất học bổng,” ông Vladimir Murashkin cho biết.

Trong năm học này, có khoảng 50 đoàn đại diện các trường đại học Nga đã đến Việt Nam theo nhiều kênh khác nhau. Hai bên đã tổ chức được nhiều hoạt động giới thiệu, các cuộc gặp gỡ với cựu học viên; phát triển mạng lưới đối tác giữa các trường đại học Nga và Việt Nam.

Về mặt văn hóa, ông Vladimir Murashkin khẳng định Trung tâm đang nỗ lực vượt qua khoảng cách địa lý để giới thiệu với đông đảo khán giả Việt Nam những thành tựu văn minh, văn hóa, khoa học của nước Nga và qua đó tiếp tục làm cho hai dân tộc và quốc gia ngày càng gần gũi.

 Chương trình đọc thơ tại buổi lễ kỷ niệm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 2024. Văn học và văn hóa Nga đang được quảng bá tích cực tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chương trình đọc thơ tại buổi lễ kỷ niệm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 2024. Văn học và văn hóa Nga đang được quảng bá tích cực tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với mục tiêu này, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm và chiếu phim, các khóa học nâng cao trình độ và các buổi lễ hội. Các khóa học tiếng Nga, các câu lạc bộ và các studio cho trẻ em và người lớn sẽ được tổ chức thường xuyên.

Dự án dịch và xuất bản văn học kinh điển Nga sang tiếng Việt và văn học Việt Nam sang tiếng Nga vẫn tiếp tục được triển khai. Hiện đang trong quá trình xuất bản tác phẩm “Evgenhi Onhegin” của A.S. Pushkin; tiếp theo sẽ là “Anna Karenina” của L.N. Tolstoy và “Oblomov” của I.A. Goncharov.

Ngày 24/5 (Ngày Văn tự và Văn hóa Slave) sẽ diễn ra với chương trình biểu diễn âm nhạc Nga tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. The ông Vladimir Murashkin, rất nhiều khán giả Việt Nam biết về sáng tác của các nhà soạn nhạc Nga, các buổi biểu diễn âm nhạc Nga luôn diễn ra thành công mỹ mãn.

“Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Những thách thức của quá trình toàn cầu hóa, đại dịch, những nỗ lực xuyên tạc lịch sử cũng như ‘thủ tiêu’ văn hóa, nghệ thuật và văn học Nga đã không thể làm lung lay nền tảng vững chắc của sự hợp tác Nga-Việt,” ông Vladimir Murashkin nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-sau-sac-them-hop-tac-song-phuong-viet-nam-lien-bang-nga-post948529.vnp