Làm rõ căn cứ xác định tổng mức vốn gần 260 nghìn tỉ đồng của Chương trình phát triển văn hóa

Tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 33, ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

 Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đầu tư gần 260 nghìn tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn thực hiện

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%) (bao gồm vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỉ đồng); Vốn ngân sách địa phương (NSĐP): khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%) (bao gồm vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 12.250 tỉ đồng);Vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Bên cạnh đó, dự kiến, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn NSTW: Căn cứ tổng kế hoạch vốn NSTW giai đoạn 2025-2030 được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ đối ứng vốn NSĐP thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030, để hướng dẫn các địa phương và Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện; quy định rõ nguyên tắc xác định nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, cơ cấu nguồn vốn NSTW, không trùng lặp với các hoạt động thường xuyên đã được đảm bảo từ nguồn kinh phí khác

Về thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn:

Năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Các nhóm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể

Theo tờ trình, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, gồm:

Thứ nhất, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ hai, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thứ tư, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Thứ sáu, phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ bảy, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

Một là, hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Hai là, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn.

Ba là, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Bốn là, ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Năm là, hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố.

Sáu là, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước.

Bảy là, phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

Tám là, 80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Chín là, hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Cùng với đó, đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

Một là, phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Hai là, 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện.

Ba là, 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật.

Bốn là, 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Năm là, có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN.

Sáu là, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%.

Bảy là, hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

Tám là, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Chín là, hàng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đề nghị làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban VHGD tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ…

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh Trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh Trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, Ủy ban VHGD cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Về ngân sách địa phương, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Về dự kiến phân bổ vốn, tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thuyết minh cụ thể về dự kiến phân bổ vốn, phụ lục số 09 về dự kiến nguồn NSTW đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 mới chỉ dự kiến số vốn 50.000 tỉ đồng cho 5 nội dung, chưa rõ số lượng, mức đầu tư, tính chất các dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư phát triển từ Chương trình. Do đó, chưa có cơ sở để đánh giá về sự phù hợp, tính khả thi của đề xuất.

 Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về thời gian thực hiện Chương trình, Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban VHGD tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện Chương trình.

Về mục tiêu của Chương trình, Ủy ban VHGD nhận thấy các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình:

Về mục tiêu tổng quát: Mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều; trong đó, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại, có những nội dung là những mục tiêu cụ thể, chưa bảo đảm tính tổng quát; có nội dung được nêu trong mục tiêu cụ thể nhưng nội hàm không được đề cập trong mục tiêu tổng quát.

Về các mục tiêu cụ thể, các mục tiêu cụ thể được liệt kê còn dàn trải, nhiều mục tiêu có nội dung tương tự với nhiệm vụ thường xuyên của lĩnh vực văn hóa, có thể trùng lặp với một số chương trình, đề án khác, còn mang tính hình thức, chưa tạo được những chuyển biến mạnh mẽ và khó đánh giá hiệu quả.

Ủy ban VHGD đề nghị Chính phủ cần thuyết minh cụ thể hơn về các chỉ tiêu của chương trình và tiếp tục rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, các Chương trình, đề án về phát triển văn hóa; đồng thời, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và nhu cầu thực tiễn để đưa ra các mục tiêu của Chương trình bảo đảm gọn, rõ ràng, không trùng lặp, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của Chương trình...

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/lam-ro-can-cu-xac-dinh-tong-muc-von-gan-260-nghin-ti-dong-cua-chuong-trinh-phat-trien-van-hoa-157841.html