Kỳ vọng và cam kết của hai siêu cường

Trong ba phần tư thế kỷ qua, quan hệ Trung-Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp những biến động và thách thức của bối cảnh quốc tế. Mối quan hệ này trở thành một ví dụ điển hình về quan hệ quốc tế mới và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước lớn. Đây là thông điệp được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc hội đàm mới đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Nga vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Bắc Kinh. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh hai bên chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 75 năm trước, vào ngày 2-10-1949, một ngày sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa, Liên Xô trở thành nước đầu tiên chính thức công nhận quốc gia này. Đáp lại, khi Liên bang Nga ra đời năm 1991, Trung Quốc nhanh chóng công nhận đây là quốc gia kế thừa hợp pháp của Liên Xô, đồng thời ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm giữ lại ghế thành viên thường trực của Liên Xô trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện hợp tác tại lễ ký tuyên bố chung ở Bắc Kinh, ngày 16-5. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện hợp tác tại lễ ký tuyên bố chung ở Bắc Kinh, ngày 16-5. Ảnh: TTXVN

Ở thời điểm hiện tại, cả Nga và Trung Quốc đều đang là mục tiêu của Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế sự phát triển của hai cường quốc, hòng duy trì một trật tự thế giới đơn cực “vốn không còn tồn tại”, như bình luận của Tân Hoa xã. Liệu phương Tây có đạt được mục tiêu ấy?

Xét trên sức mạnh vượt trội về mọi mặt, bao gồm kinh tế, chính trị, quân sự, công nghệ và văn hóa, cả Trung Quốc và Nga đều nằm trong tốp những siêu cường hàng đầu thế giới-những quốc gia mà mỗi động thái của họ đều có thể tạo ra tác động nhất định tới tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. Đó là điều không cần bàn cãi. Bởi vậy, không có gì bất ngờ trong tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga vừa qua, rằng sự phát triển quan hệ Trung-Nga không chỉ vì lợi ích cơ bản của hai nước, hai dân tộc, mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Quyết định của Tổng thống Putin chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ngay sau khi tái đắc cử cho thấy Moscow đặc biệt coi trọng phát triển sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Mặt khác, trước những áp lực từ phương Tây, quyết tâm hướng Đông của Nga dường như ngày càng được củng cố.

Còn nhớ, tháng 3-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chọn Nga làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Chỉ trong hơn một thập kỷ, hai nguyên thủ quốc gia Nga-Trung gặp nhau 43 lần tại các cuộc gặp song phương và đa phương khác nhau. Điều đó phần nào nói lên mức độ thân thiết, gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo. Cùng với đó, mối quan hệ Trung-Nga đã “đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay” và tiếp tục bền chặt hơn, bất chấp bối cảnh toàn cầu biến động phức tạp và ngày càng nhiều thách thức. Có thể thấy “trái ngọt” thu được từ mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” này: Năm 2023, thương mại song phương đạt 240 tỷ USD, gần gấp 2,7 lần so với một thập kỷ trước. Bắc Kinh và Moscow đang nỗ lực hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt mốc 300 tỷ USD trong năm tiếp theo.

Việc Nga làm Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) năm 2024 và Trung Quốc sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào cuối năm nay cũng đem lại cho cả hai bên điều kiện thuận lợi để tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nền tảng xây dựng mối quan hệ đối tác chất lượng cao, chặt chẽ, thiết thực và toàn diện hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng sự đoàn kết và sức mạnh của khu vực Nam bán cầu. Từ đó bảo vệ và duy trì một trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn, như kỳ vọng và cam kết của Bắc Kinh và Moscow tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này.

Thực tế cho thấy, càng đối mặt với sóng gió, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow dường như càng trở nên gắn bó và xích lại gần nhau hơn. Với Nga, đó là sự bủa vây, chèn ép của hơn 19.000 lệnh cấm vận khốc liệt từ phía Mỹ và phương Tây nhằm “bức tử” nền kinh tế, để từ đó “bóp chết” sức mạnh quân sự cũng như vị thế siêu cường của “gấu Nga”. Với Trung Quốc là sự gia tăng căng thẳng trong cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu từ quyết định áp mức thuế cao với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, và đến đầu tuần qua được “bồi” thêm bởi cú “hồi mã thương” từ quyết định bất ngờ của Tổng thống Joe Biden áp thuế bổ sung đối với 18 tỷ USD hàng hóa khác. Dĩ nhiên, là một “tay chơi” đẳng cấp toàn cầu, chắc chắn Bắc Kinh sẽ không để Washington dễ dàng qua mặt.

Nhìn tổng thể, chuyến công du Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin-được tháp tùng bởi hàng loạt quan chức cấp cao về chính sách, kinh tế, quốc phòng, năng lượng...-được định hình nhằm phá vỡ các hạn chế của Mỹ và phương Tây-vốn đang đe dọa làm sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga sau gần hai năm “cất cánh”. Cùng với đó là cam kết Trung-Nga về việc xây dựng một “cấu trúc an ninh phù hợp và đáng tin cậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”-trong đó không có chỗ cho “các liên minh quân sự-chính trị khép kín”-cũng như sự cần thiết phải sửa đổi các thỏa thuận an ninh toàn cầu để ngăn chặn đối đầu quân sự. Các kết quả đạt được trong chuyến thăm sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực phá thế bao vây, cô lập Nga của phương Tây; mặt khác, củng cố vị thế, vai trò không thể phủ nhận của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu.

Theo qdnd.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-gioi/202405/ky-vong-va-cam-ket-cua-hai-sieu-cuong-0613d38/