Kỷ niệm 49 năm ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2024): Vững thêm chân kiềng

Ngày 30-4-1975, thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Và, chỉ 5 ngày sau đó, ngày 5-5-1975, một tờ báo xuất bản hàng ngày khổ lớn mang tên 'Sài Gòn Giải Phóng' được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sài Gòn mới được giải phóng.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Bùi Thị Hồng Sương trao quà của Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường" do báo tổ chức đến học sinh tại xã Đạ M'rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Vượt khó, vươn lên

49 năm qua, Báo SGGP đã nỗ lực hết mình vượt qua mọi khó khăn, gian khó để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy, chuẩn xác, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam của bạn đọc. Với chức năng tuyên truyền, Báo SGGP luôn thông tin đầy đủ, chuẩn xác, có định hướng rõ ràng về tình hình an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các vùng lãnh hải của Tổ quốc; tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước ta và cập nhật thông tin quốc tế. Báo thể hiện được bản lĩnh và vai trò, trách nhiệm của mình; luôn là lực lượng đi đầu, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và của TPHCM nói riêng.

Có thể khẳng định, từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo báo qua các thời kỳ luôn xác định kinh tế báo chí là một vấn đề quan trọng. Hiện tại, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, sức cạnh tranh của báo chưa cao, mãi lực trên thị trường còn ở mức khiêm tốn. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, với sự phát triển ào ạt của công nghệ thông tin, của internet, sự bùng nổ của các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, sức tiêu thụ báo giấy giảm sâu, Báo SGGP không phải chỉ đối mặt với khó khăn về kinh tế, mà thách thức về thông tin còn lớn hơn nhiều.

Yêu cầu về chất lượng thông tin của xã hội phát triển càng ngày càng cao, điều đó đòi hỏi Báo SGGP phải tập trung đầu tư, không ngừng cải tiến chất lượng thông tin trên cả báo giấy và báo điện tử nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Bắt kịp xu hướng, phát huy thế mạnh

Cùng chung xu thế với tất cả các lĩnh vực khác, những năm gần đây, chuyển đổi số được đưa ra như giải pháp then chốt cho bài toán tồn tại, phát triển, hay là dấu chấm hết của mỗi cơ quan báo chí. Không còn vai trò độc quyền của báo chí, khái niệm kênh cung cấp thông tin không còn giới hạn. Người làm báo hôm nay phải tìm mọi cách để bạn đọc chọn mình giữa ngồn ngộn kênh thông tin chính thống lẫn không chính thống. Việc “được chọn” như thế nào cũng trở nên sòng phẳng và hiển thị rõ ràng trước đại chúng.

Báo SGGP xác định: Ứng dụng công nghệ là phương tiện để hỗ trợ cho bản chất cốt lõi của báo chí là giá trị thông tin được truyền tải hiệu quả nhất. Trong những cuộc sinh hoạt nghiệp vụ, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong nhấn mạnh, những con số của Báo SGGP có thể chưa thật ấn tượng, thông tin chưa thể nhanh nhất nhưng có thể tự tin là chắc chắn nhất, là một kênh tin cậy để các bạn đọc kiểm chứng thông tin.

Học sinh Trường THCS Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) chơi cờ vua, đọc sách tại Thư viện xanh của trường do Báo SGGP vận động xây dựng

Công tác xã hội là 1 trong 3 “chân kiềng” của báo. Nhiều năm qua, được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc, Báo SGGP đã tổ chức nhiều chương trình xã hội từ thiện có ý nghĩa nhân văn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với bề dày lịch sử 49 năm, một số chương trình xã hội, từ thiện được coi là thương hiệu của Báo SGGP và TPHCM, như: Giải thưởng Võ Trường Toản, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Vững lòng biển đảo… Trong đợt dịch Covid-19, báo cũng đã nhanh chóng triển khai hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ người lao động, bà con nghèo, tạo được dấu ấn.

Từ năm 2023, Báo SGGP đã phát động chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường”. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, chăm lo sự phát triển về thể chất, tri thức, tinh thần cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, sẽ được Báo SGGP duy trì thực hiện lâu dài. Dự kiến năm 2024, chương trình tiếp tục hoàn thiện các công trình, dự án đã triển khai.

49 năm là một chặng đường dài, là độ tuổi trưởng thành và chững chạc. Cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung, Báo SGGP phải tiếp tục có những bước đổi mới, nỗ lực hơn nữa, những người làm Báo SGGP phải vượt lên chính mình để phục vụ bạn đọc tốt nhất, bảo đảm chất lượng thông tin, giữ vững độ tin cậy ở mức cao nhất, tiếp tục xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc, hướng tới năm 2025 - năm Báo SGGP sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ra số đầu tiên.

Với lượng phát hành ấn phẩm truyền thống nhật báo SGGP tiếng Việt cùng ấn phẩm nhật báo SGGP bản tiếng Hoa và tuần san SGGP Đầu tư - Tài chính, Báo SGGP tự hào là cơ quan báo chí có số lượng báo in nằm trong tốp 5 cả nước. Còn theo Google Analytics, tính đến đầu tháng 5-2024, tổng số lượt bạn đọc tiếp cận, tương tác trung bình trong 1 ngày trên hệ sinh thái Báo SGGP online là hơn 1 triệu lượt; TikTok có trung bình gần 3 triệu view/quý; YouTube có trung bình gần 3 triệu view/tháng…

TRẦN MINH TRƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-niem-49-nam-ngay-bao-sai-gon-giai-phong-xuat-ban-so-dau-tien-5-5-1975-5-5-2024-vung-them-chan-kieng-post738421.html