Kiến tạo môi trường phát triển cho nhà giáo

Việc đề xuất xây dựng một luật riêng về nhà giáo hoàn toàn phù hợp và trở thành 'cú hích' trong phát triển đội ngũ...

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong Tuần lễ Áo dài. Ảnh: INT

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong Tuần lễ Áo dài. Ảnh: INT

Sau 20 năm từ lần đầu đề xuất, chủ trương xây dựng bộ luật riêng về nhà giáo tiếp tục được triển khai bài bản, đúng quy định và bước đầu nhận được sự ủng hộ, đồng tình của Quốc hội.

Học tập kinh nghiệm quốc tế

Ngày 22/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có Văn bản số 3525/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Nhà giáo được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) của Quốc hội khóa XV.

Nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo được đặt ra lần đầu tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Như vậy, sau 20 năm từ lần đầu đề xuất, chủ trương xây dựng một bộ luật riêng về nhà giáo tiếp tục được triển khai bài bản, đúng quy định và bước đầu nhận được sự ủng hộ, đồng tình của Quốc hội.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vấn đề nhà giáo luôn được các nước đánh giá cao và quan tâm đặc biệt. Nhiều nước đã xây dựng luật riêng điều chỉnh các quan hệ về nhà giáo. Các tổ chức quốc tế có những khuyến nghị sâu sắc về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ, cũng như điều kiện cần thiết cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là những kinh nghiệm quý cần quan tâm trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục nói chung và xây dựng đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Do đó, trong quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế về các chính sách đối với nhà giáo được Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng từ giai đoạn nghiên cứu định hướng lập đề xuất. Từ bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, việc đề xuất xây dựng một luật riêng về nhà giáo hoàn toàn phù hợp và trở thành “cú hích” trong phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Vì vậy, Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, tạo cơ hội cho nhà giáo phát triển, sáng tạo trong nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì việc ban hành Luật Nhà giáo cũng là bước tiến mới, thể hiện sự quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục. Bởi xét cho cùng, đổi mới cơ chế quản lý nhà giáo - một thành tố quan trọng của giáo dục sẽ đem đến những hiệu quả kép.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

“Cú hích” phát triển nhà giáo

Luật Nhà giáo được triển khai xây dựng với 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Đối tượng tác động của Luật Nhà giáo bao gồm cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Theo đó, ngoài các chế tài từ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp, nhà giáo ngoài công lập sẽ có những quy chuẩn về chức danh nghề nghiệp đồng bộ với nhà giáo công lập. Trên cơ sở đó, tạo cơ hội, sự công bằng cho nhà giáo trong phát triển chuyên môn, thi đua, tôn vinh, khen thưởng.

Một trong những vấn đề lớn sẽ được xem xét, nghiên cứu trong Luật Nhà giáo là công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo. Kết luận phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục năm 2022 đã khẳng định:

“Việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế.

Theo đó, tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý Nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác”.

Việc giao thoa giữa quản lý ngành và theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông.

Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị sử dụng, quản lý nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động dẫn đến tình trạng thừa/thiếu cục bộ, việc bổ sung nhà giáo không kịp thời, chất lượng nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu công việc... Thực tế này đòi hỏi có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn ở tầm Luật về cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về nhà giáo và cơ chế quản lý nhà giáo.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và các tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Luật Nhà giáo cũng xem xét, có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong phát triển đội ngũ nhà giáo, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà giáo ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm; cũng có các chế tài cụ thể để quản lý nhà giáo là người nước ngoài tham gia hoạt động giảng dạy tại Việt Nam.

Điều này vừa tạo sự công bằng trong quản lý nhà giáo người nước ngoài với nhà giáo người Việt Nam, đồng thời khuyến khích việc hợp tác, trao đổi quốc tế trong chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam.

Với kỳ vọng như vậy, nhưng thời gian triển khai xây dựng Luật Nhà giáo tương đối gấp, các nội dung chính sách trong dự thảo Luật có nhiều nội dung mới, khó, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan khác nhau nên dự kiến, để hoàn thiện hồ sơ trình Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động (hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm) và huy động đông đảo lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo trong và nước ngoài tham gia để cùng đóng góp, hoàn thiện Luật.

TS Nguyễn Thị Hương (Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kien-tao-moi-truong-phat-trien-cho-nha-giao-post683868.html