Khu vực phía Tây Hà Nội trở thành điểm căng thẳng úng ngập

Dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng làm trạm bơm, khơi thông hệ thống thoát nước, nhưng các quận nội thành của Hà Nội, đặc biệt là khu vực phía Tây vẫn trong tình trạng cứ mưa là ngập.

Từ đầu năm 2024 đến nay, dù chưa vào cao điểm mùa mưa, nhưng TP Hà Nội đã vài lần hứng chịu những trận ngập nặng. Đặc biệt là trận mưa xảy ra vào tối 12/5 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập từ 40-60cm, nghiêm trọng nhất là khu vực đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Đại lộ Thăng Long…

Khoảng 18h cùng ngày, mưa nặng hạt bắt đầu đổ xuống nhiều khu vực ở Hà Nội. Hơn 1 giờ sau, các tuyến đường ở cả nội thành và Đại lộ Thăng Long bắt đầu mênh mông nước.

“Nước ở đâu đổ về nhanh quá, chỉ vài chục phút, cả tuyến đường như một dòng sông”, anh Nguyễn Quốc Vinh, nhà ở đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) băn khoăn.

Đường Nguyễn Trãi đoạn phía trước Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thường xuyên bị ngập úng. Ảnh: Quang Phong

Đường Nguyễn Trãi đoạn phía trước Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thường xuyên bị ngập úng. Ảnh: Quang Phong

Trên đường Nguyễn Trãi (đoạn qua Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nước ngập sâu khoảng 50cm. Do vậy, dù là tối cuối tuần nhưng cả tuyến đường bị ùn tắc nghiêm trọng. Đây là khu vực được ngành thoát nước của Hà Nội coi là "điểm đen" về ngập úng trên địa bàn thành phố.

Chưa hết, cũng trong tối 12/5, nhiều khu vực của Đại lộ Thăng Long (đoạn qua Thiên Đường Bảo Sơn, xã An Khánh, Hoài Đức) chìm sâu trong nước, giao thông đi lại khó khăn. Một số hầm chui bị ngập úng khiến người điều khiển ô tô, xe máy không thể di chuyển. Nhiều người cố vượt qua điểm ngập úng, xe chết máy phải gọi cứu hộ.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, tối 12/5, trên địa bàn TP Hà Nội có mưa rào diện rộng với lượng mưa trung bình từ 70-100mm/giờ, đặc biệt tại một số quận, huyện có lượng mưa lớn như Hai Bà Trưng (127mm), Hà Đông (132mm), Thanh Trì (120mm). Từ thời điểm 19h đến 22h cùng ngày, Công ty Thoát nước Hà Nội ghi nhận gần 20 điểm úng ngập trên địa bàn thành phố.

Tại thời điểm mưa, Công ty đã mở cửa các hồ điều hòa Thiền Quang, Bảy Mẫu, Đống Đa và vận hành hợp lý các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế...; đồng thời ứng trực, thoát nước, vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý.

Theo tính toán của Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu lượng mưa khoảng 50mm/giờ, trên địa bàn thành phố không có điểm úng ngập nào. Lượng mưa trên 70mm/giờ, ở Hà Nội có khoảng 11 điểm úng ngập.

“Do lượng mưa tối 12/5 vượt quá công suất của hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố nên xảy ra ngập úng cục bộ tại một số khu vực. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau khi tạnh mưa, các điểm ngập úng ở địa bàn do Công ty quản lý đã rút hết nước”, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết.

Do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện nên nhiều khu vực phía Tây Hà Nội cứ mưa là ngập. Ảnh: Quang Phong

Do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện nên nhiều khu vực phía Tây Hà Nội cứ mưa là ngập. Ảnh: Quang Phong

Chia sẻ về nguyên nhân ngập úng ở phía Tây Hà Nội, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân gây ngập úng phía Tây còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, tình trạng ngập úng trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra đã nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Theo bà, dù các cấp ngành của TP Hà Nội có nhiều cố gắng nhưng mới chỉ giải quyết ngập úng cục bộ ở một vài khu vực trong nội thành.

“TP Hà Nội cần rà soát tổng thể các dự án thoát nước trên địa bàn, đặc biệt là trạm bơm Yên Nghĩa. Nếu thiếu vốn, cần phải cấp vốn ngay cho chủ đầu tư hoàn thành dự án. Còn nếu vướng giải phóng mặt bằng, phải đốc thúc các quận, huyện, sở, ngành tìm giải pháp tháo gỡ. Có như vậy, vào mùa mưa, người dân Thủ đô mới hy vọng hết cảnh ngập úng”, bà Bùi Thị An nói.

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (gồm kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa) được khởi công vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng.

Sau 5 năm thi công, đến tháng 1/2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, có công suất 120m3/giây. Tuy nhiên, từ khi trạm bơm hoàn thành, khu vực phía Tây TP Hà Nội bao gồm các quận huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng. Nguyên nhân trạm bơm 'khát nước' là do kênh La Khê chưa hoàn thành.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khu-vuc-phia-tay-ha-noi-tro-thanh-diem-cang-thang-ung-ngap-2280424.html