Khơi thông động lực giữ vai trò đầu tàu kinh tế

Trong giai đoạn đổi mới, sự năng động, tiên phong, sáng tạo đã đưa TP Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, giữ vững vị thế, cạnh tranh cao, thích ứng với hội nhập, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm nhằm đột phá, phát huy động lực mới.

Phát huy thành quả đổi mới

Nhìn lại thành quả gần 40 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã khai thác tốt, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, duy trì tăng trưởng liên tục (trừ giai đoạn do tác động của Covid-19).

Các dấu ấn nổi bật tập trung ở các vấn đề: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần giá trị các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ; tạo đột phá về hệ thống hạ tầng đô thị; quy hoạch và quản lý đô thị; chủ động tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên...

Kỹ sư Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV vận hành hệ thống điều khiển sản xuất cơ khí. Ảnh: THU NGA

Thành phố đã hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Thành lập Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học... Năng suất lao động xã hội cao gấp nhiều lần so với bình quân cả nước, thể hiện ở giai đoạn 2016-2019 bằng 2,65 lần, năm 2020 bằng 2,7 lần, năm 2023 bằng 2,5 lần.

Kết quả ấy được làm nên từ sự năng động, tiên phong, sáng tạo, đổi mới của TP Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, điều hành, phát huy các nguồn lực kinh tế, xã hội phục vụ yêu cầu phát triển. Trong đó nổi bật là luôn đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp thông qua duy trì đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ bằng những chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư...

Đến nay, thành phố có hơn 540.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 11.000.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển quy mô lớn, đa ngành, giữ vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế mũi nhọn: Công nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, xuất-nhập khẩu nông sản, dịch vụ nông nghiệp, thương mại, vận tải, dược phẩm, công nghệ...

Ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, những thành quả đổi mới, tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực là nền tảng, động lực vô cùng lớn để thành phố tiếp tục phát huy bằng những giải pháp, động lực mới nhằm đạt được những thành tựu lớn hơn, bền vững hơn.

Trong đó cần chú trọng tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt để doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ khả năng nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Điều đó thể hiện ở hoạt động cải cách thủ tục hành chính, có các cơ chế, chính sách mới hướng tới sự minh bạch, công khai của nền kinh tế, cho doanh nghiệp tham gia sâu vào đầu tư công, tạo sự hấp thụ nguồn vốn, năng lực, sự linh hoạt, sáng tạo từ doanh nghiệp tư nhân...

Động lực mới từ cơ chế, chính sách, quyết tâm chính trị

Tiềm năng, lợi thế tăng trưởng kinh tế cho TP Hồ Chí Minh còn dư địa rất lớn, nhưng có nhiều thách thức trong xu thế toàn cầu, kinh tế thế giới gắn với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, các yếu tố kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành tiêu chuẩn, yêu cầu mới để thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh giữa các nước.

Báo cáo với Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam của Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã nêu một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tầm mức phát triển ở các vấn đề: Mô hình tăng trưởng, phát huy nguồn lực, hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá đồng bộ, hiện đại; giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế, hoạt động công vụ, bảo đảm thu nhập, đời sống cho cán bộ, công chức... còn những tồn tại, chưa đồng bộ.

Hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch đô thị sẽ phát triển mạnh khi TP Hồ Chí Minh phát huy cơ chế, chính sách đặc thù. Ảnh: TRUNG TRỰC

Trước thực trạng đó, TP Hồ Chí Minh đã chủ động tìm tòi, xây dựng và đề xuất Trung ương, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết có 44 cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn trên nhiều lĩnh vực, trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển.

Sau gần 8 tháng triển khai, Nghị quyết 98 như một luồng gió mới tác động tích cực trên mọi lĩnh vực, thể hiện rõ nhất ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, chính quyền TP Hồ Chí Minh và ở từng quận, huyện, TP Thủ Đức; ở từng ngành, lĩnh vực từ quy hoạch, giải ngân đầu tư công, đốc thúc tiến độ các dự án trọng điểm, các đột phá mô hình mới về phát triển du lịch, công nghiệp, công nghệ cao, chuyển đổi số; nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho các ngành, lĩnh vực...

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, HĐND thành phố đã thông qua nhiều nghị quyết, quyết định để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, cụ thể như: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án, thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm, đầu tư hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt, đầu tư dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành; phân cấp thẩm quyền xử lý nhiều nội dung cho các quận, huyện và TP Thủ Đức...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để duy trì đà tăng trưởng, thành phố tập trung ưu tiên thúc đẩy các hoạt động đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng các ngành, lĩnh vực mới nổi; thu hút nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, giải ngân đầu tư công... Cả hệ thống chính trị tập trung khơi thông các động lực phát triển trên tinh thần thi đua, nêu cao trách nhiệm; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù vào từng ngành, địa phương, chương trình, dự án, sớm phát huy hiệu quả vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-thong-dong-luc-giu-vai-tro-dau-tau-kinh-te-774906