Kho sách quý ở thư viện lớn nhất Trung Đông

Thư viện Mohammed bin Rashid là một trong những điểm đến văn hóa đáng chú ý nhất tại Dubai, UAE, với hơn 1 triệu đầu sách và nhiều tài liệu quý.

Nằm tại khu vực Dubai Creek (Lạch Dubai), thư viện Mohammed bin Rashid (MBR) được khai trương từ tháng 6/2022. Nhìn từ xa, có thể nhận thấy kiểu dáng của thư viện MBR là một chiếc kệ sách (rehal), phụ kiện để đặt cuốn kinh Qran của Hồi giáo.

Kinh phí xây dựng thư viện này ở mức 1 tỷ dirham, tương đương khoảng 272 triệu USD. Đây cũng là một trong những thư viện lớn nhất thế giới, với diện tích gần 54.000 m2 và chứa 1,1 triệu cuốn sách, bao gồm cả sách giấy và điện tử. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh.

Tầng trên cùng của thư viện MBR đang có triển lãm “Bảo vật thư viện”, gồm nhiều bộ sưu tập sách quý hiếm trong suốt lịch sử Hồi giáo, cũng như nhiều bộ sách của các tác giả nổi tiếng. Ngay ở cửa, người xem được chứng kiến một cuốn kinh Qur'an được viết trong thời kỳ Vương triều Golcoda (nay là vùng miền Trung Ấn Độ) vào thế kỷ 17, mỗi trang có 5 dòng và được trang trí bằng họa tiết hoa vàng.

Cạnh đó là cuốn Astronomicum Caesareum (Thiên văn học của Hoàng đế), được học giả Petrus Apianus thực hiện cho Hoàng đế Charles V của Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1540. Điểm độc đáo của cuốn sách là hình minh họa các hành tinh quay được, cho phép người đọc tính toán đúng ngày tháng và vị trí của các ngôi sao trên trời. Nhiều trang sách có 5-6 lớp đồ họa.

Trong thời kỳ đầu của Hồi giáo, các cuốn kinh Qur'an đều được viết bằng tay trên da thuộc. Đạo Hồi cho rằng Chúa trời không thể được minh họa bằng các hình vẽ, do vậy kinh Qur'an thời kỳ đầu chỉ gồm văn bản và thư pháp được coi là một hình thức làm đẹp cho sách. Thư viện MBR trưng bày một số bản kinh Qur'an thời kỳ đầu, khoảng thế kỷ 8, được tìm thấy tại bán đảo Ả Rập.

Giấy bắt đầu được phổ biến tại bán đảo Ả Rập từ khoảng thế kỷ 10, và thư pháp cũng như cách trang trí Qur'an cũng phát triển mạnh từ lúc này. Thư pháp đã chuyển sang dạng mới, ngoài phần chữ viết thì các trang sách cũng được trang trí nhiều họa tiết khác. Thời kỳ này các cuốn kinh với kích thước lớn cũng xuất hiện, hiện nay nhiều cuốn ở thế kỷ 14-16 đang được trưng bày.

Tại đây, người xem cũng có thể tìm hiểu các công cụ của một nhà thư pháp. Các học giả Hồi giáo coi việc luyện viết cùng những loại bút, dụng cụ như một nghệ thuật. Do vậy, những chiếc bút và hộp đựng cũng được trang trí nhiều loại vật liệu quý. Trong hình là cả một chiếc rương đựng các công cụ của nhà thư pháp, như bút, mực, dao, giấy, được tìm thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 18. Phía ngoài hộp được khảm đồi mồi, ngọc trai.

Tài liệu đáng chú ý nhất tại khu vực bản đồ là Atlas Maior, công trình của nhà hàng hải Joannes Blaeu xuất bản vào năm 1662. Đây là một trong những atlas đầu tiên có các chi tiết như dãy núi, rừng hay khu vực săn ngọc trai, gồm 11 cuốn và hơn 600 bản đồ. Atlas Maior cũng được mệnh danh là cuốn sách đắt nhất thế kỷ 17, đánh dấu thời kỳ hoàng kim về khám phá biển cả của Hà Lan.

Description de l'Égypte (Mô tả Ai Cập) là công trình của hơn 160 học giả đi theo Napoleon Bonaparte trong cuộc chinh phạt Ai Cập, diễn ra cuối thế kỷ 18. Đây là một cuốn bách khoa thư về địa lý, lịch sử, chính trị, văn hóa Ai Cập, được trình bày bởi hơn 2.000 họa sĩ. Phiên bản ở thư viện MBR là bản đầu tiên, in vào năm 1809.

Sách của tác giả lớn như William Shakespeare, Miguel de Cervantes, Valmiki, Dante được trưng bày, bao gồm bản in có hình đầu tiên của Thần khúc (Dante, 1491), The Second Folio(Shakespeare, 1632) hay Don Quijote, bản minh họa của Joaquin Ibarra (Cervantes, 1870).

Nhiều bản sách văn học, hồi ký cũng được trưng bày tại đây, như hồi ký của Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin (bản đầu tiên ra mắt năm 1791, viết bằng tiếng Pháp), Moby Dick (tác giả Herman Melville, bản minh họa đầu tiên năm 1930), Robinson Crusoe (Daniel Defoe, bản đầu tiên năm 1719), Thiên đường đã mất (John Milton, bản minh họa đầu tiên năm 1688) hay bản sách tiếng Hy Lạp của Trường ca Iliad (Homer, xuất bản tại Italy năm 1526).

Ngoài các tác phẩm kinh điển, thư viện MBR còn 9 thư viện con theo chủ đề, phòng làm việc, khu sách cho trẻ em và nhiều điểm “check in” khá ấn tượng. Thư viện này không thu vé vào cửa, chỉ cần đăng ký trước qua mạng, và hiện vẫn chưa có chương trình đăng ký thành viên. Ảnh: Hoàng Minh Thương.

Tuấn Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-sach-quy-o-thu-vien-lon-nhat-trung-dong-post1401323.html