Khí đốt Nga không còn là điểm yếu của Đức, vì đâu nền kinh tế vẫn rất chông chênh?

'Thật khó để tìm ra một minh họa hùng hồn hơn về tình trạng trì trệ của nền kinh tế Đức hiện nay', báo Le Monde (Pháp) đã viết như vậy khi đánh giá về 'đầu tàu' châu Âu.

Liệu quá trình chuyển đổi hiện nay có cho phép Đức lấy lại khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trở lại sau khi khó khăn kinh tế qua đi? (Nguồn: AP)

Theo Le Monde, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục trì trệ trong năm 2024, bất chấp việc giá năng lượng đang trên đà giảm về mức trước khủng hoảng.

Trong hai ngày 7-8/3, hàng triệu người Đức không thể di chuyển bằng tàu hỏa và máy bay trên khắp đất nước, do hai cuộc đình công diễn ra đồng thời tại Deutsche Bahn và Lufthansa. Trong khi đó, những người lựa chọn di chuyển trên những con đường cao tốc đông đúc sẽ phải đối mặt với tình trạng ách tắc nghiêm trọng.

Nền kinh tế đang thực sự tê liệt

Suốt nhiều tháng qua, tình trạng đình công kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).

“Tình hình đang rất tồi tệ”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lên tiếng thừa nhận như vậy.

Chông chênh giữa tình trạng đình trệ và suy thoái trong những quý gần đây, Bộ trưởng Habeck ví nền kinh tế Đức như đang đối mặt “một cơn bão hoàn hảo”, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát cản trở sự phục hồi của nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu.

Ông Habeck nhận định: “Đức đang thoát khỏi khủng hoảng chậm hơn mong đợi. Thực tế là môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định và tăng trưởng thương mại hiện đang ở mức thấp lịch sử là thách thức đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức”.

Ngày 6/3, khi công bố dự báo tăng trưởng của Viện Munich (Ifo), nhà kinh tế học Timo Wollmershauser nhấn mạnh: “Nền kinh tế Đức đang thực sự tê liệt. Sự thận trọng của người tiêu dùng, lãi suất cao và giá tăng kết hợp với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu đang khiến 'đầu tàu' châu Âu chậm lại. Chúng ta đang trải qua một cuộc suy thoái mùa Đông khác”.

Viện Munich hạ dự báo tăng trưởng của Đức xuống mức 0,2% trong năm 2024, thấp hơn so với mức dự báo 0,9% đã đưa ra trước đó. Sự phục hồi rất có thể sẽ chỉ xuất hiện vào năm 2025, với mức tăng trưởng khiêm tốn 1,5%. Tuy nhiên, lạm phát tại đất nước đã giảm đáng kể và sẽ trở lại mức trung bình 2,3% trong năm nay.

Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) công bố dự báo tăng trưởng trong ngày 6/3, với những dự báo tương tự.

Theo đó, nền kinh tế Đức dự kiến tăng trưởng 0,1% vào năm 2024 và 1,2% vào năm 2025. Hầu hết các nhà kinh tế không đồng tình với chính sách của Berlin, sự phục hồi trong tiêu dùng và xuất khẩu hiện tại kém năng động hơn nhiều so với kỳ vọng, trong khi đầu tư tư nhân vẫn cực kỳ yếu.

Chuyên gia Moritz Schularick, Chủ tịch IfW nói rằng: “Các nỗ lực giảm chi tiêu công của chính phủ diễn ra vào thời điểm tồi tệ nhất và vì vậy càng làm tăng thêm sự bi quan".

Trên thực tế, ngày càng xuất hiện thêm dấu hiệu cho thấy các vấn đề về cơ cấu đang đè nặng lên nền kinh tế. Điểm yếu vẫn là đầu tư tư nhân, vốn rất hạn chế, đặc biệt do chính sách kinh tế của chính phủ gây ra nhiều bất ổn.

Tourbin gió phía sau nhà máy nhiệt điện Westfalen thuộc công ty RWE Generation SE ở Hamm, Đức ngày 10/8/2023. (Nguồn: AP)

Tình huống mới và bất ngờ

Nếu những giải thích mang tính cấu trúc chiếm ưu thế trong các phân tích thì đó là do một yếu tố quan trọng đã biến mất khỏi danh sách những trở ngại đối với nền kinh tế Đức: giá năng lượng.

Thật bất ngờ khi giá điện bán buôn tại nước này đã giảm và trở lại mức năm 2020.

Tất nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với một số nước khác và phải vài tháng nữa mới thấy rõ tác động của nó lên các hóa đơn tiền điện. Dự đoán, sẽ không có gì ngăn cản được một cú sốc năng lượng mới.

Tuy nhiên, về cấu trúc, ý tưởng cho rằng, do không còn nguồn khí đốt giá rẻ của Nga nên Đức phải làm quen với mức giá cao hơn so với trước thời điểm xung đột diễn ra ở Ukraine đã suy yếu.

Cuộc tranh luận về trợ cấp năng lượng cho ngành công nghiệp vốn đã gây chia rẽ chính phủ trong nhiều tháng nay không còn phù hợp nữa.

Chuyên gia Wollmershauser khẳng định: “Đây là một tình huống mới và bất ngờ”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này rất ngạc nhiên khi thấy sản lượng hóa chất không tăng trở lại sau khi giá giảm. Ngành công nghiệp hóa chất - một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng - đã chứng kiến sản lượng giảm 20% khi bắt đầu xung đột ở Ukraine. Con số này tương ứng với khoảng 0,3% sản lượng hàng hóa hàng năm của Đức, hoặc bằng mức suy thoái kinh tế của nước này trong năm 2023.

“Mức thấp kéo dài này là một điều đặc biệt không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Rất khó để xác định liệu sản lượng này có sụt giảm vĩnh viễn hay liệu nó có trở lại mức trước xung đột hay không”, chuyên gia Wollmershauser nói.

Giả thuyết đầu tiên chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm thay đổi cấu trúc trên toàn bộ nền kinh tế Đức. Cơ cấu sản xuất được cho là đang có sự thay đổi, với việc một số ngành công nghiệp bị thu hẹp để nhường chỗ cho những ngành khác.

Trong một lưu ý gần đây, Viện Ifo cho rằng, thảm họa phi công nghiệp hóa hàng loạt đáng lo ngại đã không xảy ra nếu sản xuất công nghiệp giảm thì tổng giá trị gia tăng - thước đo giá trị gia tăng do ngành sản xuất tạo ra sau khi trừ đi tiêu dùng trung gian - đã trở lại mức năm 2015 và không giảm.

Bất chấp các kế hoạch xã hội của một số tập đoàn lớn, việc làm tại Đức vẫn được duy trì ở mức cao ở thời điểm hiện tại.

Đặc biệt hơn, ngành công nghiệp Đức vẫn chiếm 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với các quốc gia có mức độ giàu có tương đương khác, mặc cho những điểm yếu về cơ cấu của Đức.

Câu hỏi đặt ra là liệu quá trình chuyển đổi hiện nay có cho phép Đức lấy lại khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trở lại sau khi khó khăn kinh tế qua đi hay không?

(theo Le Monde, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-nga-khong-con-la-diem-yeu-cua-duc-vi-dau-nen-kinh-te-van-rat-chong-chenh-263407.html