Kể chuyện theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Sáng 18.5, Chi nhánh NXB Phụ nữ Việt Nam và Hội quán các bà mẹ đã cùng tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách 'Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại'. Tại đây, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã chia sẻ về hành trình nghiên cứu cũng như những gì thường bị hiểu lầm về 2 nhân vật lịch sử này.

Hành trình nghiên cứu

Theo đó, trong thời gian qua, đã có không ít những tác phẩm viết về Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu được cho ra mắt. Tuy vậy, những dẫn chứng về ngày sinh, quê quán của Hoàng hậu hay vai trò của vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn lại thiếu chính xác, không có bằng chứng rõ ràng cũng như thường được đặt dưới góc nhìn cảm tính, phiến diện.

Hai tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy và Vĩnh Đào tại tọa đàm ra mắt sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: Quốc Toàn

TS. Vĩnh Đào chia sẻ, xuất phát từ niềm cảm mến cá nhân mà ông đã tìm đọc và tìm hiểu về cuộc đời và những diễn biến quan trọng trong cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu. Tuy nhiên càng đọc, ông càng nhận ra những gì được viết phần lớn chỉ là giai thoại, thường được thêu dệt bằng những câu chuyện truyền miệng. Vì vậy với một nhân vật rất đáng chú ý như thế, ông đã bắt tay vào việc tái hiện chân dung Hoàng hậu từ cách tiếp cận của người viết sử chứ không phải kể lại những giai thoại không có cơ sở.

Cũng xuất thân từ hoàng tộc, điều này là thuận lợi lớn cho tác giả trong quá trình tìm kiếm, chắt lọc thông tin. Nhưng do sinh sống và làm việc tại Pháp, nên bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chính là người đã giúp đỡ và hỗ trợ ông trong quá trình tìm kiếm tư liệu tại Việt Nam cũng như Thụy Sĩ.

Bà Thúy chia sẻ, suốt các năm qua, bà và Hội quán các bà mẹ vẫn thường tổ chức những sự kiện về Nam Phương Hoàng hậu vào mỗi dịp tháng 10. Theo bà, cuộc đời của vị Hoàng hậu cần được nghiên cứu kỹ, vì đây là một hình mẫu lý tưởng cho các phu nhân của giới chính khách có thể học hỏi trong công tác thiện nguyện hay xuất hiện trước truyền thông. Được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của Hoàng hậu Nam Phương khi mặc áo dài, vì vậy Hội quán các bà mẹ thường tổ chức những chủ đề về lụa là gấm vóc gắn với Hoàng hậu.

Bìa sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: Minh Anh

Từ những điều này, cả hai tác giả đã cùng rong ruổi suốt 3 năm trời từ Việt Nam, Pháp cho đến Thụy Sỹ, từ Sài Gòn, Huế cho đến Tiền Giang để truy dấu về khoảng thời gian mà có rất ít tài liệu đề cập đến hai nhân vật đặc biệt này. Chẳng hạn như quá trình chuyển giao khi vua Bảo Đại thoái vị, Hoàng hậu Nam Phương chuyển đến cung An Định sinh sống hay suốt 16 năm cuối đời ở làng Chabrignac lặng lẽ mà không có chồng cạnh bên…

Quá trình thực hiện các tác giả cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, do độ lùi của lịch sử cũng như tài liệu hoặc các nhân chứng còn sống thì rất ít ỏi. Bà Thúy chia sẻ có khi tìm được thông tin trên nền tảng số của thư viện nọ, nhưng đến lúc cần trích dẫn để viết vào sách, thì họ đóng cửa bảo trì đến gần 2 tháng, khiến cho quá trình viết sách gặp nhiều trở ngại…

Nhưng không vì vậy mà các tư liệu và khẳng định được đưa ra một cách phiến diện, thiếu kiểm chứng. Bà Thúy chia sẻ với thói quen của một người nghiên cứu khoa học, TS. Vĩnh Đào vô cùng kỹ càng trong quá trình chắt lọc thông tin. Trong quá trình tìm về những lá thư Nam Phương Hoàng hậu gửi cho vua Bảo Đại, ông đòi hỏi chúng phải có chữ ký của Hoàng hậu, cũng như tự mình dịch thuật, vì có rất nhiều bản dịch không chính xác được lan truyền suốt thời gian qua.

Đám cưới vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương năm 1934 ở Huế. Ảnh tư liệu

Đám cưới vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương năm 1934 ở Huế. Ảnh tư liệu

Những lý giải mới

Qua tác phẩm này, hai tác giả đã lật lại những chi tiết thiếu chính xác rất phổ biến về lai lịch của Hoàng hậu, như ngày sinh và gia thế của cha bà – ông Nguyễn Hữu Hào. Theo hai tác giả, ngày sinh chính xác của Nam Phương Hoàng hậu là 14.11.1913, và sở dĩ việc có sự nhầm lẫn với ngày 4.12.1914 vì khi xưa các quan chức triều Nguyễn đã dời ngày sinh của bà xuống 1 năm (mà vẫn giữ nguyên ngày tháng theo âm lịch) để có khoảng cách giữa bà với Vua Bảo Đại. Điều này đã được minh chứng qua bản khai sanh lưu trữ tại Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại Pháp và bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913…

Còn về ông Nguyễn Hữu Hào, qua các tìm hiểu, hai tác giả đã khẳng định rằng ông vốn không được sinh ra trong một gia đình giàu có, mà mồ côi từ bé, vì sáng dạ nên được gửi đi học giáo lý sau đó về làm việc cho tỷ phú Lê Phát Đạt – ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu. Trong quá trình đó, ông đã tiếp xúc và đem lòng yêu bà Lê Thị Bình, từ đó mà hai chị em Nguyễn Hữu Thị Lan ra đời. Việc ông sở hữu đất đai, gia sản giàu có chỉ đến sau khi thành thân cùng bà Bình, chứ không có sẵn khi ông ra đời.

Từ trái: hai tác giả khảo cứu (tiến sĩ Vĩnh Đào và Thanh Thúy) bên mộ Hoàng hậu Nam Phương tháng 4.2023

Từ trái: hai tác giả khảo cứu (tiến sĩ Vĩnh Đào và Thanh Thúy) bên mộ Hoàng hậu Nam Phương tháng 4.2023

Một chi tiết khác cũng được chỉ ra là Hoàng Hậu sinh ra tại TP.HCM chứ không phải Tiền Giang, do sự nhầm lẫn về mặt tên gọi của địa danh Gò Công – vốn thuộc thành phố Thủ Đức ngày nay chứ không phải tỉnh Định Tường xưa. TS. Vĩnh Đào giải thích, trong cuốn hồi ký của mình, vua Bảo Đại cũng viết về việc ông sẽ kết hôn với một người có cùng quê quán với Thái hậu Từ Cung. Nhưng sự tương đồng này nên được hiểu là cùng trong khu vực Nam Kỳ, chứ không phải là mảnh đất Tiền Giang.

Ngoài những nhầm lẫn về mặt lai lịch, mối quan hệ giữa Nam Phương Hoàng hậu và Vua Bảo Đại cũng được làm rõ, gợi mở những hoài nghi mới. Như hai tác giả cuốn sách đặt vấn đề, người tình ngoài hôn phối đầu tiên của vua Bảo Đại chính xác là ai? Hay đặt nghi vấn liệu tai nạn gãy chân vào năm 1938 khiến Vua Bảo Đại phải vào chữa trị ở bệnh viện Grall thuộc Nam Kỳ có thật là do khi chơi thể thao, bởi lẽ những gì báo chí khẳng định rất chậm và khá tủn mủn?

Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương cùng hai con Thái tử Bảo Long (hơn 2 tuổi), công chúa Phương Mai (1 tuổi 4 tháng), chụp vào sáng thứ hai 5.12.1938. Ảnh tư liệu

Các tác giả đặt ra các nghi vấn, giúp góp thêm góc nhìn về các diễn biến hôn nhân của hai nhân vật lịch sử. Dẫu vậy có một điều rất mới đã được khẳng định là một trong những tình nhân của Vua Bảo Đại chính là con gái của Công tử Bạc Liêu - bà Rosine Trần Thị Lưỡng – cô vợ trẻ của Nguyễn Duy Quang, người đã phục vụ trong Ngự tiền Văn phòng với chức vụ bí thơ cho Hoàng đế Bảo Đại. Bà Thúy cho biết mình đã nhận được những lời khẳng định từ cả gia đình Hoàng hậu lẫn từ hậu duệ của bà Lưỡng - ông Lê Hữu Nghĩa ở tuổi xấp xỉ 80, một người trong gia đình công tử Bạc Liêu, trong thời gian bà tìm tư liệu tại Thụy Sỹ.

Ngoài những điều trên, cuốn sách cũng cung cấp nhiều tư liệu về cuộc sống của Nam Phương Hoàng hậu ở Cannes, vị thế của bà trong xã hội thượng lưu cũng như cung cấp những lá thư chưa được công bố mà bà gửi cho chồng mình, qua đó thấy được một người phụ nữ son sắt, trí tuệ và rất thông minh.

Độc giả tại tọa đàm ra mắt sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: Quốc Toàn

Quan trọng hơn cả, như hai tác giả chia sẻ, qua công trình nghiên cứu này, họ muốn góp thêm một góc nhìn mới về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, từ đó giúp minh định thêm những chi tiết vẫn còn thiếu sót hay thiếu chính xác, được huyền thoại hóa về cặp đôi này. Song song đó cũng là phục dựng một Hoàng hậu như người phụ nữ thông minh, sắc sảo, tài đức, cũng như Vua Bảo Đại – người luôn mơ đến đất nước thống nhất nhưng bị phong bế bởi bối cảnh của thời bấy giờ.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ke-chuyen-theo-dau-hoang-hau-nam-phuong-va-vua-bao-dai-43738.html