Huyện Lạc Thủy quan tâm bảo vệ di sản văn hóa

Huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội… Văn hóa tâm linh là thế mạnh của du lịch huyện. Từ khi Luật Di sản văn hóa (DSVH) được ban hành, huyện luôn chấp hành tốt, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới DSVH, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội… Văn hóa tâm linh là thế mạnh của du lịch huyện. Từ khi Luật Di sản văn hóa (DSVH) được ban hành, huyện luôn chấp hành tốt, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới DSVH, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) sưu tầm trưng bày trên 2.000 sản phẩm là các vật dụng trong đời sống sinh hoạt người Mường.

Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) sưu tầm trưng bày trên 2.000 sản phẩm là các vật dụng trong đời sống sinh hoạt người Mường.

Đền Niệm là điểm di tích lịch sử - văn hóa nằm trong di tích danh lam thắng cảnh quốc gia quần thể hang động núi Niệm thuộc thôn Chùa, xã Phú Thành. Đền khởi nguyên là ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi Niệm, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Đền thờ tam vị chúa Mường, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên. Lễ hội đền Niệm được tổ chức ngày 9/3 âm lịch hằng năm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội đền Niệm có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.

Theo thống kê, toàn huyện có 6 di tích xếp hạng quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh và 67 di tích thuộc danh mục di tích kiểm kê cần bảo vệ của UBND tỉnh.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các DSVH được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức như: lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị được 220 buổi với trên 7.000 người tham gia; tuyên truyền trên hệ thống loa FM các thôn, khu dân cư; tuyên truyền tại các điểm di tích. Từ năm 2001 đến nay thực hiện treo trên 1.000 băng rôn, pano, khẩu hiệu, 55 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động, biên tập trên 1.200 tin, bài về công tác bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình DSVH tại địa phương.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm, UBND huyện quan tâm phát triển và nhân rộng các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc. Trên địa bàn huyện duy trì 5 câu lạc bộ bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường tại thị trấn Ba Hàng Đồi, các xã: An Bình, Phú Nghĩa, Hưng Thi, Thống Nhất; 20 đội chiêng Mường; 8 câu lạc bộ thơ ca, 112 đội văn nghệ thôn, khu dân cư.

Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH đạt kết quả tích cực. Qua các đợt kêu gọi hiến tặng hiện vật trưng bày, gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã trao tặng tổng số 62 hiện vật được bảo quản, giới thiệu tại khu di tích Nhà máy in tiền. Các thế hệ học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam trao tặng 10 bộ trang phục các dân tộc Tây Nguyên; 3 bức tranh và các hiện vật là công cụ lao động, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Đặc biệt, gia đình bà Giang Kim Năm là con dâu của Anh hùng Đinh Núp đã trao tặng 6 hiện vật của gia đình để phục vụ trưng bày tại khu nhà rông Tây Nguyên, thuộc khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam...

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Thủy cho biết: Xác định rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, công tác này còn chưa tương xứng với giá trị của di sản. Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực DSVH theo phân cấp quản lý. Đẩy mạnh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Tiếp tục quan tâm, đầu tư cho văn hóa gắn với việc huy động, khai thác các nguồn lực xã hội hóa. Bảo tồn, giữ gìn giá trị các DSVH phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật đối với DSVH. Thực hiện tốt việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức và người trông coi di tích lịch sử - văn hóa, qua đó đề cao trách nhiệm bảo vệ, khai thác giá trị các DSVH ở địa phương một cách bền vững.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/189239/huyen-lac-thuy-quan-tam-bao-ve-di-san-van-hoa.htm