Hưng Yên: Xây dựng và phát triển hệ sinh thái công dân số

Với sự tập trung đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của tỉnh Hưng Yên đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ chuyển đổi số của người dân

Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực, nỗ lực chuyển đổi số trên 3 trụ cột gồm: Xã hội số, chính quyền số và kinh tế số. Công dân số là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số. Nhiều tiện ích, hạ tầng cơ sở đã được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, triển khai phục vụ phát triển hệ sinh thái công dân số.

Có 9 yếu tố cấu thành công dân số gồm: Khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số.

Người dân thành phố Hưng Yên sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR phục vụ tra cứu thông tin thủ tục hành chính

Người dân thành phố Hưng Yên sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR phục vụ tra cứu thông tin thủ tục hành chính

Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), cơ sở dữ liệu về dân cư trên địa bàn tỉnh dần được hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến đầu năm 2024, Công an tỉnh đã cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho trên 1 triệu công dân đủ điều kiện cấp CCCD trên địa bàn tỉnh, đạt gần 100% số người cần cấp. Toàn tỉnh đã kích hoạt trên 639.000 tài khoản định danh điện tử, trong đó có trên 550.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Thông qua nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thiết bị di động thông minh, internet là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Với sự tập trung đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ chuyển đổi số của người dân. 93% dân số của tỉnh sử dụng điện thoại thông minh, gần 73% số hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định. Tỉ lệ phủ sóng 3G, 4G và mạng cáp quang internet đạt 100% số thôn, khu phố trong tỉnh. Đến hết quý I/2024, 100% dịch vụ công đã xác thực định danh và triển khai thanh toán số; gần 100% số người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; 70% dân số có kỹ năng số cơ bản; 33% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 33% dân số không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 40% giao dịch trên website hoặc ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử… Đây là những số liệu cho thấy sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên trụ cột xã hội số, trong đó, trọng tâm là hình thành và phát triển hệ sinh thái công dân số.

Nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán điện tử thay bằng thanh toán trực tiếp. Ngay cả tại các chợ truyền thống, tỉ lệ người dân mua hàng thực hiện thanh toán điện tử cũng ngày càng tăng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh cố định đều chấp nhận thanh toán điện tử, trong đó nhiều cơ sở tạo mã QR nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán điện tử.

Công dân huyện Yên Mỹ tra cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Công dân huyện Yên Mỹ tra cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Không chỉ chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng, nhiều ứng dụng số được triển khai trong các lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục giúp người dân thay đổi cách tiếp cận và góp phần hình thành những công dân số.

Trong y tế, nhiều nền tảng số đã được triển khai như: Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử... Đến nay, hơn 90% số người dân trong tỉnh đã có mã hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ngoài ra, các cơ sở y tế thực hiện kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với hệ thống giám định của cơ quan Bảo hiểm xã hội và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) góp phần quản lý tốt công tác khám chữa, bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân. Trong giáo dục, các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới…

Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm. Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, xây dựng và phát triển hệ sinh thái công dân số chính là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số. Với sự tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cùng với hạ tầng số được đầu tư cơ bản đã góp phần giúp người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Qua đó, thúc đẩy hệ sinh thái công dân số phát triển và khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số, hạ tầng số góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Mai Nhung (Báo Hưng Yên)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hung-yen-xay-dung-va-phat-trien-he-sinh-thai-cong-dan-so-2280766.html