Hơn 4.700 nhà đầu tư mắc bẫy lừa của công ty Bankland

CQĐT xác định hơn 4.700 nhà đầu tư nộp hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào Công ty Bankland, nhưng thực chất đây là chiêu lừa đa cấp biến tướng kèm theo tiền ảo không có giá trị.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án lừa đảo tiền ảo, đa cấp biến tướng liên quan Công ty Bankland.

Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố thêm một bị can là Nguyễn Thanh Vân (SN 1992, ở Lâm Đồng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Hơn 4.700 bị hại đã ký hợp đồng đầu tư hàng trăm tỉ vào Công ty Bankland

Hơn 4.700 bị hại đã ký hợp đồng đầu tư hàng trăm tỉ vào Công ty Bankland

Miếng mồi lợi nhuận

Trong bản kết luận điều tra trước đó, CQĐT đã đề nghị truy tố 5 bị can gồm: Vũ Đức Tĩnh; Nguyễn Thị Như; Quản Văn Dương; Nguyễn Văn Minh; Nguyễn Đức Minh.

Theo kết quả điều tra, Vũ Đức Tĩnh (ở TP.HCM) đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như và Quản Văn Dương đứng ra thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Bankland có trụ sở tại Hà Nội. Tĩnh là cố vấn cấp cao của Công ty và sẽ được hưởng 10% doanh thu, lợi nhuận của công ty. Còn Như giữ chức TGĐ, Dương là Chủ tịch HĐQT Công ty.

Sau khi thành lập công ty, Tĩnh đã chỉ đạo Như và Dương tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi góp vốn hợp tác đầu tư vào công ty. Bản chất đây là hình thức đa cấp biến tướng.

Nhóm bị can mời gọi nhà đầu tư hợp tác cùng kinh doanh bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế… với kỳ hạn từ 6-72 tháng, trả lãi theo ngày với mức lãi suất 3-5,1% tháng (43,2%/năm). Khách hàng là nhà đầu tư còn được công ty hứa đối ứng cho sang tên 1 sổ đỏ giá trị bằng 45% mức đầu tư.

Để huy động được nhiều người tham gia nộp tiền, Quản Văn Dương, Nguyễn Thị Như liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi thi đua, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng giá trị như tặng vàng, tặng sổ đỏ, tặng ô tô, xe máy SH, iPhone…

Các bị can còn lập sàn giao dịch cổ phiếu điện tử Banklandexchange, tự phát hành cổ phiếu BLI của Công ty Bankland với 10.000 tỉ cổ phiếu. Sau đó, kêu gọi nhà đầu tư góp vốn mua cổ phiếu BLI, cho các nhà đầu tư mua bán với nhau trên sàn và sử dụng cổ phiếu này để đăng ký mua bất động sản.

CQĐT kết luận thực chất đây là đồng tiền ảo do Công ty Bankland tự tạo ra, hoàn toàn không có giá trị thanh khoản trên thị trường.

Ngoài ra, nhóm bị can tuyên truyền, quảng bá để bán các dự án bất động sản chưa được cấp phép đầu tư dự án, trong đó có dự án bất động sản tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tài liệu điều tra xác định, có 4.736 nhà đầu tư là bị hại đã ký hợp đồng và nộp tổng số tiền 464 tỉ đồng cho Công ty Bankland.

Phục hồi điều tra một bị can

Nhằm quản lý được tài sản và dòng tiền nộp vào Công ty Bankland, Tĩnh để Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đức Minh quản lý, đứng tên các tài sản được hình thành từ nguồn tiền của Bankland để Tĩnh dễ bề quản lý điều hành, mặc dù Tĩnh không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động của công ty này.

Do đó, CQĐT đã tiến hành triệu tập Nguyễn Thị Thanh Vân để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, không xác định được Vân ở đâu, làm gì nên CQĐT ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can.

Sau đó, CQĐT nhiều lần liên hệ với gia đình Vận, vận động đưa Vân đến CQĐT đầu thú để được hưởng sự khoan hồng.

Ngày 25-3-2024, Nguyễn Thị Thanh Vân đã đến CQĐT đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Sau đó, CQĐT ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can với Vân.

Kết quả điều tra xác định, bị can Nguyễn Thị Thanh Vân quen biết Tĩnh từ năm 2016 khi làm kế toán cho Công ty Thái Tuấn của Tĩnh. Cuối năm 2021, Tĩnh bảo Vân ra Hà Nội làm kế toán cho một công ty do Tĩnh làm cố vấn.

Mục đích ban đầu là hỗ trợ bộ phận kế toán quản lý thu chi đối với nguồn tiền nhà đầu tư nộp vào, mở tài khoản ngân hàng của Công ty, chuyển tiền theo chỉ đạo của Tĩnh và Như.

Bị can còn thực hiện chuyển tiền đặt cọc, thanh toán mua đất và đứng tên nhiều bất động sản theo chỉ đạo của Tĩnh.

Vân khai chỉ được hưởng lương nhân viên, không được hưởng lợi từ việc đứng tên bất động sản hộ Tĩnh

Tuy nhiên CQĐT xác định Vân nhận thức Công ty Bankland không có hoạt động kinh doanh gì mà chỉ huy động vốn của nhà đầu tư, số tiền huy động được sử dụng vào việc riêng của công ty và mua các bất động sản mà Vân, Văn Minh, Đức Minh đứng tên. Đây là hành vi giúp sức cho Tĩnh và các bị can khác chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bản thân bị can nhận thức hành vi của mình là sai trái.

Do đó, trong bản kết luận điều tra bổ sung, CQĐT đã đề nghị truy tố Vân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hon-4700-nha-dau-tu-mac-bay-lua-cua-cong-ty-bankland-post791338.html