Hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ trong quản lý thuế

Việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi xây dựng được một hành lang pháp lý vững chắc và xây dựng được Bộ chỉ số tiêu chí đảm bảo nhận diện được các dấu hiệu rủi ro đầy đủ.

Việc áp dung QLRRTT góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT.

Việc áp dung QLRRTT góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT.

Kết quả thanh tra, kiểm tra tăng qua các năm

Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan thuế, người nộp thuế (NNT) và cộng đồng xã hội trong việc cải cách quản lý thuế theo hướng minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT chấp hành tốt pháp luật về thuế, góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT, giảm chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ của NNT.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, gần 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).

Việc áp dụng QLRRTT cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra, thanh tra thuế, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định pháp luật; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm (tăng bình quân từ 1,3 tỷ đồng lên gần 2 tỷ đồng/cuộc thanh tra/năm).

Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng QLRRTT đã giúp phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động, không có sự can thiệp của con người trong quá trình phân loại hồ sơ hoàn, rút ngắn thời gian phân loại hồ sơ hoàn, đảm bảo khách quan, công bằng trong phân loại hồ sơ hoàn thuế. Cơ quan Thuế có thể theo dõi, quản lý chặt chẽ, sát sao tình hình quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ của NNT, hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện áp dụng QLRR trong quản lý thuế hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân là do số lượng NNT ngày càng tăng nhưng tổ chức bộ máy trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao chưa tương xứng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, gần 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).

Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao cho ngành Thuế thực hiện hàng năm là rất lớn, bình quân khoảng gần 1,5 triệu tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng trên 83% trên tổng thu ngân sách. Trong khi đó, QLRR mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế (công tác lựa chọn NNT có rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra, phân loại hồ sơ hoàn thuế và quản lý hóa đơn), chưa xây dựng được hệ thống thống nhất về QLRR, quản lý tuân thủ nên chưa xây dựng và triển khai chương trình QLRRTT tổng thể về thuế.

Đáng chú ý, hiện nay, nguồn lực triển khai nhiệm vụ QLRR, quản lý tuân thủ còn hạn chế là do cơ chế, chính sách về QLRR mặc dù đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất. Cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRR chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác QLRR trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế còn chưa phù hợp với thực tế triển khai công việc.

Không những vậy, việc đánh giá rủi ro đối với NNT còn hạn chế, mới dừng ở nhận diện, các trường hợp có rủi ro cao về thuế cần can thiệp bằng những nghiệp vụ như thanh tra, kiểm tra thuế, cưỡng chế nợ thuế… riêng lẻ ở một số chức năng quản lý thuế. Chưa xây dựng được chương trình rủi ro tuân thủ tổng thể về thuế để đánh giá rủi ro trong tất cả các khâu, chức năng quản lý thuế.

Bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý thuế

Theo Tổng cục Thuế, yếu tố cốt lõi trong quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro chính là phân loại NNT, thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ của NNT, hướng đến tuân thủ tự nguyện.

Để làm được điều đó, cơ quan thuế phải hoàn thiện cơ chế áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế thông qua việc xây dựng và kiện toàn bộ phận QLRR về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực, nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung, có hiệu quả công tác QLRR (với nhiệm vụ tham mưu xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về QLRR theo hướng tự động hóa) đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tính tuân thủ của NNT.

Cùng với đó, cần xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR tuân thủ tổng thể trong quản lý thuế. Bộ chỉ số tiêu chí được thực hiện trên cơ sở đánh giá việc xây dựng, triển khai thực hiện các Bộ chỉ số tiêu chí trong những năm vừa qua.

Tổng cục Thuế sẽ cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý thuế, pháp luật về QLRRTT của NNT nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của NNT. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của NNT cơ quan thuế xác định mức độ ưu tiên NNT trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn; ưu tiên về hỗ trợ thuế; tuyên dương NNT… Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của NNT theo các cách phân đoạn NNT nêu trên.

Đồng thời, hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và thông tin chung về NNT phục vụ cho công tác phân tích rủi ro nói riêng và công tác quản lý thuế nói chung. Xây dựng chương trình hỗ trợ khuyến khích NNT tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế thông qua việc cơ quan thuế hỗ trợ NNT tuân thủ pháp luật thuế (các hoạt động tư vấn; trả lời vướng mắc; cung cấp thông tin; cảnh báo rủi ro cho NNT; tổ chức hội nghị hội thảo tập huấn, đào tạo để NNT chủ động nâng cao tuân thủ pháp luật thuế). Qua đó, tạo thuận lợi, giảm chi phí về thời gian, về tiền bạc cho NNT để ngành Thuế trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-co-che-ap-dung-quan-ly-rui-ro-tuan-thu-trong-quan-ly-thue.html