Hiểu hơn về quê hương qua các di vật khảo cổ

Học sinh, sinh viên lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu một số loại hình di vật khảo cổ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Trưng bày chuyên đề Di vật khảo cổ, thông điệp từ lòng đất (diễn ra từ ngày 22/11-22/12/2022) tại Bảo tàng tỉnh thu hút đông đảo công chúng đến tham quan. Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Ngay hôm khai mạc, trưng bày chuyên đề đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh và những người yêu thích khảo cổ học trong, ngoài tỉnh. Nhiều người thể hiện sự thích thú với những di vật khảo cổ đa dạng, phong phú được thu thập thông qua khai quật tại nhiều điểm trên địa bàn tỉnh.

Học lịch sử bằng trực quan sinh động

Tại trưng bày nói trên, bằng hình ảnh và hiện vật gốc, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu một số loại hình di vật khảo cổ được thu thập qua khai quật tại Eo Bồng thuộc xã Sơn Thành Đông và núi Bà thuộc xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa); Gò Ốc thuộc xã Xuân Bình và Cồn Đình thuộc xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu); Thành Hồ, Đồng Miễu thuộc thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) và thành An Thổ thuộc xã An Dân (huyện Tuy An).

Từ những di vật thời đại đồ đá, đến những di vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, văn hóa Đại Việt thời Nguyễn…, tất cả là chứng cứ vật chất mang lại những thông điệp quan trọng về lịch sử, xã hội, phản ánh quá trình hình thành cộng đồng dân cư, hoạt động sinh sống, lao động sản xuất, văn hóa tín ngưỡng của các cộng đồng người trên vùng đất Phú Yên.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Trà, sinh viên Trường đại học Phú Yên chia sẻ: “Tham quan trưng bày, được xem nhiều hình ảnh và hiện vật thuộc nhiều thời đại, em rất thích. Trưng bày được đầu tư về nội dung, hình thức đẹp mắt. Mỗi hình ảnh, hiện vật đều hàm chứa, mang đến cho người xem những thông tin giá trị, góp phần vun đắp tình yêu quê hương”. Cũng có mặt tại buổi trưng bày này, bạn Nguyễn Quốc Hưng, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho hay: “Đây là lần đầu tiên em tham quan trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Cá nhân em thấy hoạt động này rất bổ ích và ý nghĩa. Qua đó, em được biết thêm nhiều kiến thức lịch sử của mảnh đất mà mình đang sinh sống”.

Theo anh Trần Công Hòa, Bí thư Đoàn trường cao đẳng Nghề Phú Yên, trong dạy học lịch sử ở trường hiện nay, việc tăng cường cho học sinh tiếp xúc với các tài liệu lịch sử ngoài sách giáo khoa, nhất là tài liệu ở bảo tàng có ý nghĩa nhiều mặt. Học tập lịch sử tại bảo tàng sẽ rèn luyện cho học sinh, sinh viên các năng lực tư duy lịch sử, như quan sát, tưởng tượng, các kỹ năng thực hành bộ môn, khắc phục tình trạng dạy chay, bệnh hiện đại hóa lịch sử. Hơn hết, học tập tại bảo tàng còn tạo cho học sinh hứng thú tìm hiểu lịch sử, bồi dưỡng cho các em lòng tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước… Việc đưa học sinh, sinh viên đến bảo tàng còn giáo dục cho các em ý thức tôn trọng, gìn giữ các di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Góp phần bảo tồn di sản văn hóa

Ông Đoàn Phước Thuận, nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên cho rằng: Việc trưng bày di vật khảo cổ tại Bảo tàng tỉnh góp thêm minh chứng để công chúng cả nước và quốc tế biết đến vùng đất Phú Yên có lịch sử văn hóa lâu đời, với những người con biết trân quý giá trị văn hóa của tổ tiên, ông cha để lại, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Theo ông Thuận, hiện nay, Phú Yên cũng như các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đều đã thành lập hội sưu tầm cổ vật. Tuy nhiên, ngoài Câu lạc bộ Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên, nếu tỉnh có thêm hội di sản thì sẽ góp phần nâng cao công tác gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc hơn nữa.

Phú Yên là vùng đất hội tụ của nhiều nền văn hóa khảo cổ, biểu hiện qua sự tồn tại của hệ thống các địa điểm khảo cổ được phát hiện và nghiên cứu ở khắp các địa phương trong tỉnh. Thời gian qua, từ kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận, bảo quản và lưu giữ số lượng lớn di vật, với loại hình phong phú đa dạng, thuộc nhiều niên đại khác nhau, hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học.

“Di vật khảo cổ là cơ sở để phác dựng lại bức tranh lịch sử, quá khứ một cách chân thực và sinh động; bổ khuyết, củng cố những lập luận khoa học trong hoạt động nghiên cứu và phổ biến tri thức lịch sử, văn hóa; là cứ liệu làm sáng tỏ thêm những vấn đề lịch sử mà các nguồn sử liệu thành văn không ghi chép, cùng với đó góp phần hình thành và khẳng định bản sắc văn hóa của một vùng đất. Những di vật khảo cổ tại trưng bày này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử vùng đất Phú Yên mà mình đang sống, từ đó thêm tự hào và cùng góp sức vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cuộc sống đương đại”, ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhấn mạnh.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/290586/hieu-hon-ve-que-huong-qua-cac-di-vat-khao-co.html