Hiểm họa ở nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Đường vốn đã hẹp lại thêm nhánh rẽ vào cao tốc thiết kế một bên nên hiểm họa luôn chực chờ ở khu vực cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc quốc lộ 55 qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

Quốc lộ 55 đoạn phía cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thắt cổ chai.

Quốc lộ 55, đoạn xã Sông Phan, huyện Hàm Tân có 2 nút giao, cụ thể nút giao quốc lộ (QL) 1A tại thị trấn Tân Nghĩa và nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nơi có cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đoạn này có phần đầu phía nút giao QL1A rộng rãi có lề đường lát gạch khang trang, phần còn lại phía cầu vượt cao tốc bị thắt cổ chai nhỏ hẹp.

Từ điểm bắt đầu thắt cổ chai trở về cầu vượt cao tốc nhỏ hẹp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Điều này gây bất tiện cho người tham gia giao thông khi lượng phương tiện xe bốn bánh lớn, nhỏ đổ vào cao tốc đi các tỉnh, thành trong cả nước và ngược lại vào địa bàn tỉnh. Chưa kể phương tiện xe hai bánh của người dân bao gồm học sinh đi học tham gia lưu thông. “Phần đường gần cầu vượt thường bị kẹt xe, nhất là vào lễ, tết, giờ cao điểm. Do xe vận chuyển nông sản, hàng hóa, khoáng sản... ra, vào cao tốc thường hay lấn làn. Người đi xe máy thấy hai xe tránh nhau để vượt lên phía trước, phải chủ động đi vào lề đường nhường chỗ nếu không xảy ra tai nạn”, ông Nguyễn Văn Cảnh, ở xã Sông Phan chia sẻ.

Nhánh ra, vào cao tốc nằm một bên đường.

Cây barie bị biến dạng do phải cua gấp khúc vào nhánh rẽ ra cao tốc.

Theo UBND xã Sông Phan, khu vực cầu vượt hẹp, có nhánh hai chiều dẫn vào cao tốc nằm một bên rất nguy hiểm, gây khó cho các phương tiện giao thông khi vào cao tốc phải cua gấp khúc; dễ nhầm lẫn giữa lối vào và lối ra. Cho nên đã có chuyện nhiều phương tiện lưu thông đến đây dừng đột ngột, tìm làn vào cao tốc, nhất là phương tiện ngoài tỉnh lần đầu lưu thông, khiến ảnh hưởng việc lưu thông của phương tiện khác. Chính vì vậy ở đây đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

Người dân xã Sông Phan nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Năm 2023, UBND huyện Hàm Tân đã có công văn kiến nghị Sở Giao thông Vận tải về những bất cập đường sá liên quan đến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện. “Đến nay, các nhà thầu thi công đã thi công hoàn trả 3 đoạn tuyến, còn lại 3 đoạn vẫn chưa sửa chữa trả lại hiện trạng ban đầu gồm 2 tuyến đường do huyện quản lý là đường số 12 xã Tân Đức, đường Tân Hưng – An Vinh - xã Sông Phan và đoạn tuyến đường quốc lộ 55 do Sở Giao thông Vận tải quản lý. Đề nghị Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, yêu cầu Liên doanh Phương Thành – CIENCO 4 và các nhà thầu phụ sớm thực hiện sửa chữa 3 tuyến đường này để phục vụ nhu cầu cho người dân đi lại”, huyện Hàm Tân ý kiến. Sở Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị những bất cập ấy với Bộ Giao thông Vận tải, trong đó có cả những ý kiến có liên quan của các huyện, thị khác.

Tuy vậy, đến nay mọi thứ vẫn như giậm chân tại chỗ, người dân mong ngành chức năng quan tâm. Trước hết là mở rộng phần đường này để không gây ra hiểm họa giao thông. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 vốn nêu rõ trong kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông năm 2024 của UBND tỉnh giao cho các sở, ngành thực hiện. “Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác như: Tăng cường thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý…”, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nêu trong kế hoạch.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hiem-hoa-o-nut-giao-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-118538.html