'Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai'

Với chủ đề 'Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai', Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2024 sẽ tập trung tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai.

Từ đầu năm đến nay, mưa, dông lốc đã làm đổ sập, hư hỏng, tốc mái hàng nghìn ngôi nhà của người dân. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang giúp người dân dọn dẹp để dựng lại nhà mới sau khi bị dông lốc làm sập đổ. Ảnh: Bá Vừ

Từ đầu năm đến nay, mưa, dông lốc đã làm đổ sập, hư hỏng, tốc mái hàng nghìn ngôi nhà của người dân. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang giúp người dân dọn dẹp để dựng lại nhà mới sau khi bị dông lốc làm sập đổ. Ảnh: Bá Vừ

Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai được tổ chức từ ngày 15 đến 22/5 trên toàn quốc. Ở cấp trung ương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vào sáng ngày 18/5/2024 tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Tại Lễ mít tinh, sẽ diễn ra hoạt động trao giải cuộc “Rung chuông vàng - Cùng em phòng, chống thiên tai, kiến tạo tương lai bền vững”; trao giải cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”.

Các địa phương ban hành kế hoạch triển khai hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia tại địa phương; chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp tại địa phương; tổ chức thông tin, truyền thông tại cơ sở và một số hoạt động hưởng ứng khác.

Được biết, tại Việt Nam, năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.964 trận thiên tai được thống kê. Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến như: Đợt mưa lớn từ ngày 2-8/8 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 16 người chết, mất tích; trận lũ ống, lũ quét xảy ra đêm 12/9 - rạng sáng 13/9 tại thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn và huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã làm 9 người chết, mất tích; nhiều vụ sạt trượt, nứt đất ở Tây Nguyên - khu vực vốn rất ít xảy ra sạt lở, làm 6 người thiệt mạng.

Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng làm 14 người chết, mất tích; nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm, với nhiều đợt nắng nóng kỷ lục vượt giá trị lịch sử ở nhiều địa phương, đặc biệt tại Tương Dương (Nghệ An) là 44,2 độ C - giá trị nhiệt độ cao nhất từng được quan trắc ở Việt Nam…

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quothanh-dong-som-chu-dong-truoc-thien-tai-post475867.html