Hải quân Mỹ và 'sát thủ' UAV

Các phương tiện điều khiển từ xa (UAV) tấn công cảm tử đang là 'cơn đau đầu' của nhiều lực lượng quân sự, kể cả Mỹ. Nhưng nay có vẻ hải quân nước này đã có giải pháp chống các loại UAV hiệu quả.

Ngày 27/3/2024, một tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ phát hiện 4 tín hiệu radar hướng thẳng tới họ từ Yemen. Các tín hiệu này tương tự tín hiệu của thiết bị bay không người lái (UAV/drone) của phiến quân Houthi hoạt động trong nhiều tháng qua. Hải quân Mỹ đã đối phó với những cuộc tấn công bằng UAV kể từ tháng 12/2023 theo cách thông thường: phóng tên lửa đánh chặn từ tàu chiến, tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách an toàn.

Theo tạp chí PopMech, tàu chiến Mỹ không bị hư hại gì và không có thương vong. Tuy nhiên, số lượng tên lửa trên tàu Mỹ có hạn, giá mỗi quả tên lửa rất cao, trong khi du kích Houthi xuất kích UAV ngày này qua ngày khác. Đôi khi Houthi triển khai 14 chiếc cùng lúc.

UAV giá rẻ và tên lửa triệu đô

Các cuộc tấn công này cho thấy dạng thức chiến tranh bất đối xứng đang đe dọa sự thống trị của quân đội Mỹ. Trong khi Mỹ sở hữu nhiều vũ khí, khí tài tối tân, các quốc gia khác như Iran và Trung Quốc đang tung ra số lượng lớn UAV tấn công giá rẻ để áp đảo những vũ khí công nghệ cao đó. Các đối thủ của Mỹ biết rằng tên lửa có hiệu quả nhưng không bền vững về lâu dài vì rất đắt tiền, chế tạo khó khăn.

Một ví dụ cụ thể: tháng 10/2023, tàu khu trục USS Carney của hải quân Mỹ đã trải qua 9 giờ căng thẳng trên Biển Đỏ, phải sử dụng cả pháo và tên lửa để bắn hạ 4 tên lửa hành trình và 15 UAV. Phiến quân Houthi, nhóm vũ trang có trụ sở trên Bán đảo Ảrập, bị cho là đứng sau vụ tấn công.

Hệ thống Leonidas.

Hệ thống Leonidas.

Tiến sỹ Paul Scharre, phó chủ tịch điều hành, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), tổ chức nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại Washington D.C., từ lâu cảnh báo rằng các loại vũ khí hiện tại sẽ nhanh chóng trở nên yếu thế trước các UAV được triển khai hàng loạt. Ông Scharre nói: “Việc tiêu diệt một UAV trị giá vài nghìn đô la bằng một tên lửa trị giá hàng triệu đô la không phải là một giải pháp hiệu quả về mặt chi phí”.

UAV buộc tàu chiến phải sử dụng pháo hay tên lửa và điều này khiến con tàu suy giảm kho đạn dược, trở nên dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công tiếp theo bằng tên lửa chống hạm của đối phương. Nhưng các tàu chiến Mỹ không thể không bắn hạ UAV và đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Andrew Lowery, Giám đốc điều hành công ty Epirus sản xuất vũ khí công nghệ cao có trụ sở tại Los Angeles, California, nói: “Mục tiêu của các đối thủ tiềm năng của Mỹ là triển khai số lượng lớn UAV giá rẻ để làm cạn kiệt kho vũ khí động học của chúng ta”. (Vũ khí động học là loại vũ khí sử dụng năng lượng động học để tiêu diệt mục tiêu. Nói cách khác, chúng gây sát thương bằng cách va chạm với mục tiêu với tốc độ cao). Đó là lý do Epirus đã phát triển phương pháp thay thế vũ khí động học, là một loại thiết bị vi sóng gần như không thể ngăn chặn được.

Hệ thống mang tên Leonidas của Epirus tạo ra một chùm vi sóng cực mạnh, sản sinh dòng điện bên trong các thiết bị điện tử mục tiêu khiến chúng bị quá tải. Nhẹ thì bị lỗi tạm thời, nặng nhất là cháy hoàn toàn. Vũ khí vi sóng cũng có thể quét sạch UAV một cách hiệu quả.

Không giống như các thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến khiến hệ thống dẫn đường của UAV bị lỗi hoặc cản trở hoạt động liên lạc, vũ khí vi sóng sẽ phá hủy chúng. Công ty Epirus lần đầu tiên trình diễn hệ thống Leonidas vào năm 2020 và giới thiệu phiên bản thế hệ thứ ba vào năm 2022. Trong các cuộc thử nghiệm năm 2021, Leonidas đã hạ gục toàn bộ 66 UAV được mang ra làm bia tập bắn.

Để tăng thêm độ khó của nhiệm vụ, người ta cho xuất kích nhiều UAV cùng lúc, tuy nhiên hệ thống Leonidas đã tiêu diệt tất cả chỉ trong một lần quét. Công ty Epirus đã chuyển giao bốn hệ thống Leonidas cho quân đội Mỹ để đánh giá. Chúng có thể là giải pháp lý tưởng để giải quyết làn sóng UAV mà lực lượng Mỹ đang phải đối mặt.

Tiến sỹ Scharre giải thích: “Tiềm năng của các loại vũ khí năng lượng định hướng trong việc chống UAV rất lớn bởi vì chúng có “kho đạn” nhiều hơn vũ khí thông thường, trong khi chi phí mỗi lần bắn thấp hơn tên lửa. Rõ ràng là chúng ta cần các biện pháp phòng thủ tiết kiệm chi phí để chống lại UAV giá rẻ”.

Tên lửa phòng không tầm xa hiện tại của hải quân Mỹ là loại SM-6 Standard, nặng 1,5 tấn, bay với tốc độ Mach 3 (gấp ba lần tốc độ âm thanh, khoảng 3.700km/h) và có giá hơn 3 triệu USD. SM-6 Standard có thể tiêu diệt một máy bay chiến đấu phản lực hoặc tên lửa hành trình một cách dễ dàng từ khoảng cách hơn 150 dặm - nhưng sử dụng tên lửa này tiêu diệt một UAV nặng 180kg đang di chuyển với tốc độ 100 dặm một giờ và chỉ có giá vài nghìn đô la là việc rất lãng phí, khác nào “đem dao mổ trâu đi giết gà”.

Nếu không sử dụng SM-6, hải quân Mỹ còn lựa chọn khác là tên lửa Evolved Sea Sparrow tầm trung. Loại này nhỏ hơn nhiều so với SM-6, chỉ nặng 280kg nhưng vẫn có giá 1,5 triệu USD một quả.

Chi phí cao nên hải quân Mỹ chỉ trang bị những tên lửa này với số lượng nhỏ, nhằm mục đích phòng thủ trước máy bay tấn công và tên lửa chống hạm. Theo bảng ngân sách mới nhất của hải quân Mỹ, các nhà quyết sách chỉ duyệt mua 125 tên lửa SM-6 và 147 tên lửa Sea Sparrow. Theo nhà sản xuất Raytheon, tên lửa SM-6 Standard được triển khai trên 60 tàu chiến mặt nước và công ty đã giao hơn 500 tên lửa cho hải quân Mỹ.

Ngoài các loại tên lửa kể trên, một số tàu hải quân Mỹ được trang bị hệ thống súng máy bắn nhanh Phalanx, nhưng những khẩu súng này gần như là lớp phòng thủ cuối cùng với tầm bắn chưa đến 2 km. Nếu bắn trượt hoặc trục trặc, sẽ không có cơ hội thực hiện lần thứ hai như với tên lửa.

Tên lửa phòng không SM-6 Standard có giá 3 triệu USD một quả.

Tên lửa phòng không SM-6 Standard có giá 3 triệu USD một quả.

Nhà nghiên cứu Zachary Kallenborn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, D.C. cảnh báo rằng súng máy không phải là giải pháp đáng tin cậy. Theo ông, các hệ thống phòng không dùng súng như Gepard (được sử dụng trên chiến trường Ukraine) tỏ ra hiệu quả phần nào. Tuy nhiên, đối phương có thể áp đảo các hệ thống súng bắn nhanh phòng không bằng cách sử dụng số lượng lớn UAV tấn công từ nhiều hướng.

Theo phía Mỹ, phiến quân Houthi tấn công bằng UAV giá rẻ được nhập khẩu từ Iran và được lắp ráp trong nước, tại các garage. Houthi có nhiều năm kinh nghiệm tác chiến theo dạng thức này. Khi Saudi Arabia tham gia liên minh chống lại Houthi từ năm 2015, nhóm dân quân này bắt đầu phóng các UAV nhỏ, tầm xa tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia và các mục tiêu có giá trị cao dễ bị tổn thương khác. Các hệ thống phòng không tiên tiến của Saudi Arabia trong đó có tên lửa Patriot và tiêm kích F-15 do Mỹ cung cấp, đã bắn hạ hầu hết UAV của Houthi Nhưng một số UAV vẫn tiếp tục lọt qua các lớp phòng thủ và một số lần khiến các kho chứa dầu bốc cháy.

Năm 2022, Saudi Arabia đồng ý ngừng bắn. Người Houthi tiếp tục làm phong phú thêm kho UAV và vào tháng 11/2024, họ bắt đầu phóng tên lửa và UAV vào các tàu chở hàng quốc tế ở Biển Đỏ, được nói là nhằm hỗ trợ Palestine.

Ngoài Houthi, các nhóm chiến binh ở Iraq và một số nơi khác cũng sử dụng UAV tấn công các căn cứ của Mỹ. Tháng 1/2024, ba binh sĩ Mỹ ở Jordan thiệt mạng, 25 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng UAV.

UAV giá rẻ là một cơn đau đầu ngày càng dữ dội với quân đội Mỹ, nhưng vũ khí vi sóng có thể hóa giải được bài toán chi phí. Thay vì Mỹ không đủ khả năng chi trả cho việc phòng thủ, chính những kẻ tấn công sẽ hết vũ khí trước. Andrew Lowery, Giám đốc điều hành Epirus nói: “Nếu họ triển khai một nghìn UAV tới và xâm nhập bức tường năng lượng mà hệ thống của chúng tôi tạo ra, chúng tôi có thể hạ gục tất cả với giá khoảng 25 xu Mỹ một lần khai hỏa”.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ không chỉ phải đối mặt với những mối nguy rẻ tiền đến từ trên không. Ngoài UAV bay, lực lượng Houthi cũng đang sử dụng UAV trên biển, là những tàu cao tốc không người lái chứa đầy chất nổ. Chính những thiết bị này được nói là làm hư hại một số tàu chở hàng đi ngang qua Biển Đỏ.

Leonidas có thể đến Ukraine

Ukraine đã sử dụng UAV trên biển tấn công tàu chiến Nga ở Biển Đen, thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm vào các tàu đang di chuyển và neo đậu tại cảng. Binh sĩ Nga rất khó khăn khi dùng súng máy hạng nặng và pháo tự động tiêu diệt UAV dưới nước bởi những chiếc thuyền không người lái rất nhanh và thường được triển khai vào ban đêm. Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị tổn thất nặng nề bởi các cuộc tấn công kiểu này.

Và hải quân Mỹ cũng không hơn gì hải quân Nga. Tàu chiến Mỹ đã và đang phải chống đỡ các cuộc tấn công bằng tàu không người lái của Houthi. Mặc dù hải quân Mỹ được đánh giá là rất thiện chiến, trang bị vũ khí, khí tài tốt nhất thế giới, họ vẫn gặp khó khăn khi đối phương triển khai nhiều tàu UAV đến từ nhiều hướng, và còn đặc biệt khó với quân Mỹ nếu đối phương triển khai cả UAV và phóng tên lửa chống hạm cùng lúc. Một tàu UAV có giá khoảng 100.000 USD, rẻ hơn nhiều so với một tên lửa cả triệu USD.

Tàu USS Carney đã trải qua 9 giờ căng thẳng để bắn hạ 4 tên lửa hành trình và 15 UAV.

Tàu USS Carney đã trải qua 9 giờ căng thẳng để bắn hạ 4 tên lửa hành trình và 15 UAV.

Ông Lowery cho biết công nghệ vũ khí vi sóng của Epirus vẫn tỏ ra có hiệu quả trước các tàu UAV. Epirus sẽ chứng minh điều này tại đợt tập trận ứng dụng công nghệ hải quân tiên tiến hàng năm của hải quân Mỹ trong mùa hè này. Dự kiến hệ thống Leonidas sẽ được đọ sức với tàu UAV cao tốc. Một phát ngôn viên của hải quân Mỹ cho biết cuộc tập trận Trident sẽ giúp xác định những lỗ hổng tiềm ẩn trong hệ thống phòng thủ của họ và các giải pháp khả thi.

Leonidas không phải là hệ thống vũ khí năng lượng định hướng duy nhất được chào hàng với quân đội Mỹ. Hải quân nước này từ nhiều năm qua đã thử nghiệm các hệ thống vũ khí laser năng lượng cao, thuật ngữ chung dùng để chỉ các hệ thống sử dụng hoặc tạo ra năng lượng ở mức cao.

Năm 2014, tàu khu trục USS Ponce được trang bị hệ thống vũ khí laser công suất 30 kW (LaWS), được cho phép sử dụng vũ khí này để phòng thủ trên khu vực Vịnh Ba Tư. LaWS đã được mang ra khai hỏa thử nghiệm, nhưng chưa bao giờ được dùng trong thực chiến. Sau khi tàu USS Ponce bị loại biên vào năm 2018, hải quân Mỹ quyết định ngừng sử dụng LaWS vì thời gian để hệ thống này nạp điện bị cho là quá lâu trong khi luồng sáng laser mà nó tạo ra chưa đủ ổn định.

Leonidas không phải là một giải pháp hoàn chỉnh mà sẽ là một phần của hàng rào phòng không nhiều lớp với radar, pháo và tên lửa. Ông Lowery cho biết quân đội Mỹ hiện đang xem xét kế hoạch triển khai một hoặc nhiều đơn vị Leonidas để phục vụ tại ngũ vào mùa hè này.

Không chỉ có triển vọng được đưa vào biên chế hải quân Mỹ, hệ thống Leonidas có thể thu hút sự quan tâm của quân đội nhiều nước khác nếu nó chứng minh được năng lực. Trước tiên, Epirus ưu tiên đáp ứng nhu cầu của hải quân Mỹ. Ông Lowery nói công ty có thể sản xuất ba hoặc bốn hệ thống Leonidas mỗi tháng nếu họ được đặt hàng.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/hai-quan-my-va-sat-thu-uav-i731770/