Hải Phòng: Người dân xã Quang Phục, Tiên Lãng bất an với nguồn nước sạch từ 'nhà máy mini'

Là một trong tiêu chí đánh giá, công nhận xã nông thôn mới, tuy nhiên vấn đề nước sạch sinh hoạt tại một số xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) lại đang gặp khó.

Dân nói nước bẩn, nhà cung cấp bảo không

Nhiều hộ dân ở thôn Khôi Vỹ Hạ, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đang sử dụng nước sạch do "nhà máy nước mini" Quang Phục cung cấp. Thời gian gần đây, nước liên tục có hiện tượng lúc mặn lúc nhạt, lúc váng xanh, vẩn đục. Để khắc phục tình trạng này, các gia đình tìm cách trữ nước, để lắng đọng cặn mới sau đó mới đem sử dụng, dù vẫn chưa yên tâm. Theo người dân, tình trạng này đã diễn ra khoảng 2 năm nay, đến bây giờ thì thường xuyên hơn.

Bà Phạm Thị Lộc, 63 tuổi ở thôn Khôi Vỹ Hạ cho biết: "Tình trạng này không phải lần đầu xảy đến với nhà tôi và những nhà xung quanh. Trước đó, rất nhiều lần, khi đang xả nước thì phát hiện vẩn đục. Nếu xả ra chậu để lâu còn có hiện tượng bám trơn, nhớt vào thành thau, chậu".

Dây chuyền vận hành xử lý nước sạch của "nhà máy nước mini" Quang Phục, huyện Tiên Lãng.

Dây chuyền vận hành xử lý nước sạch của "nhà máy nước mini" Quang Phục, huyện Tiên Lãng.

Theo bà Lộc, nguồn nước sinh hoạt mà gia đình bà đang dùng không đảm bảo chất lượng và an toàn, nguy cơ đe dọa sức khỏe mỗi thành viên trong gia đình. Nhiều người trong làng sau khi dùng nước bẩn này đã nổi ngứa, dị ứng. Bản thân cháu gái tôi 3 tuổi bị nổi mẩn khắp người, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán dị ứng da và dặn gia đình lưu ý về nguồn nước đang sử dụng".

Ông Nguyễn Văn Bình, 59 tuổi (hàng xóm bà Lộc) phản ánh hầu hết các hộ dân trong thôn Khôi Vỹ Hạ phải tự khắc phục bằng cách đầu tư bộ lọc nước để bảo đảm ăn uống và sinh hoạt cho gia đình. Họ không dám sử dụng trực tiếp. Nhưng những gia đình khó khăn thì đành chịu dùng nước bẩn.

Một số hộ dân còn cho biết chưa bao giờ thấy bên cung cấp nước sạch tới bảo dưỡng hay làm vệ sinh hay sửa chữa đường ống. Giá tiền mua nước của nhà máy là 9000đ/m3. Dù bức xúc khi chất lượng nước do nhà máy nước trên địa bàn cung cấp chưa bảo đảm nhưng các gia đình vẫn phải dùng vì không còn nguồn nào thay thế.

"Người dân bức xúc khi bỏ tiền mua nước sạch sinh hoạt nhưng lại phải dùng nước chất lượng kém, thậm chí nước "bẩn" nên lo lắng, bất an về sức khỏe. Do bức xúc, nhiều người đăng tải, chia sẻ hình ảnh, clip về tình trạng này trên mạng xã hội", bà Nguyễn Thị Tỉnh, thôn Khôi Vỹ Hạ lên tiếng.

Trái với "cáo buộc" của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn - phụ trách kỹ thuật "nhà máy nước mini" Quang Phục khẳng định chưa bao giờ nhận được phản ánh về nước sinh hoạt mà họ cung cấp bị bẩn hay không đảm bảo.

"Có những giai đoạn thi công đường ống kéo dài 18 tháng thì suốt thời gian đó có chuyện nước bị đọng cặn, có mùi hôi, không dùng để ăn, uống được. Những lúc như vậy, chúng tôi đều thông báo cho người dân trong thôn, xã nắm được, tạm dừng nguồn nước này trong vài ngày để đảm bảo an toàn", ông Tuấn khẳng định.

Loay hoay tháo gỡ

Theo ghi nhận của phóng viên, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng hiện có khoảng 2.200 hộ dân nhưng duy nhất có một nhà máy nước mini Quang Phục phục vụ cấp nước cho toàn xã. Nhà máy này có quy mô nhỏ, công nghệ xử lý cũ kỹ (lọc thô và dùng hóa chất để xử lý) nên sau nhiều năm xây dựng, vận hành, dù vẫn đang hoạt động nhưng cũng không còn đủ năng lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước cấp cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Về phản ánh của người dân xã Quang Phục, ông Phạm Minh Đức – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, vấn đề nước sạch nông thôn từng là vấn đề bức xúc từ 2007, 2008 của người dân. Thời điểm đó, huyện cũng đã có phương án xây dựng nhà máy nước ở xã Cấp Tiến (Bắc Tiên Lãng) nhưng qua khảo sát, đánh giá lại thì thấy nguồn nước cũng không đảm bảo vì yếu tố nước xâm nhập mặn. Nhiều năm gần đây, cứ vào mùa khô, cả huyện đều rơi vào tình trạng này khiến việc tìm nguồn nước tưới tiêu, thủy lợi còn khó khăn, chưa nói tới nước để sản xuất xử lý ra nước sạch sinh hoạt.

Nguồn nước thô trước khi đem vào xử lý của nhà máy nước mi ni Quang Phục.

Nguồn nước thô trước khi đem vào xử lý của nhà máy nước mi ni Quang Phục.

"Khi xuống một số địa bàn khảo sát, kiểm tra thực tế, phải thừa nhận, chất lượng nước của nhiều nhà máy nước mini kém, bị vẩn đục. Thậm chí có nhiều sinh vật bay trong khu vực bể lọc. Hệ thống dây chuyền xử lý vẫn theo quy trình lọc thô, sử dụng clo để xử lý ra nước sạch. Nguồn nước đầu vào lấy từ hệ thống kênh mương nhiều lúc không đảm bảo. Cái khó của chính quyền và người dân hiện nay đó là nếu dừng hết hệ thống nhà máy nước mi ni thì dân không có nước sinh hoạt trong lúc chờ công ty cấp nước của TP Hải Phòng vào tiếp quản, thay thế", ông Đức đánh giá.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, huyện đã yêu cầu 19/21 nhà máy đang hoạt động phải lấy nguồn nước thô đảm bảo tốt nhất cho người dân. Đồng thời, đề nghị phía Công ty Khai thác thủy lợi khơi thông các đầu nguồn để nhà máy nước mini có được nguồn nước an toàn, đảm bảo hơn khi đưa vào xử lý.

Về hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn nguồn, chất lượng nước sạch nông thôn thành phố, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết: Cung cấp nước sạch nông thôn là một trong 29 nhiệm vụ lớn, trọng tâm cần thực hiện nên thành phố đã và đang tập trung giải quyết; kiên quyết không để phát sinh điểm nóng, bức xúc về nước sạch.

Qua kiểm tra và phân loại toàn bộ hệ thống nhà máy cung cấp nước sạch nông thôn cho thấy, nhiều nhà máy nước sử dụng nguồn nước nguyên liệu có nguy cơ ô nhiễm cao do việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy không phù hợp; xây dựng không đúng thiết kế, không có dự báo, đánh giá chất lượng nguồn nước, công suất xử lý không đáp ứng, thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước chưa đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ; nhất là trong xử lý khi một bên vi phạm, khi nước cấp không bảo đảm chất lượng…

Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ký kết hoặc điều chỉnh các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết liên quan đến hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nông thôn; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Chấm dứt hoạt động và thay thế các nhà máy nước không bảo đảm chất lượng trong quý I năm 2024.

Nếu chủ đầu tư nhà máy nước mini có chất lượng nước kém, không đạt được đồng thuận thì chính quyền các xã căn cứ quy định thực hiện việc chấm dứt thỏa thuận đã ký kết và lựa chọn đơn vị cấp nước thay thế.

Hải Phòng có 94,4% số dân nông thôn sử dụng nước từ các nhà máy nước; trong đó, số dân sử dụng nước từ 31 nhà máy hoạt động tốt là 74,4%; 20% người dân nông thôn đang sử dụng nước từ các nhà máy nước hoạt động trung bình và kém; 5,6% người dân sử dụng nước từ các nguồn cấp nước nhỏ lẻ khác chưa được kiểm soát về chất lượng.

VIDEO: Người dân xã Quang Phục, Tiên Lãng bất an với nguồn nước vẩn đục từ nhà máy nước mini

M.Lý - Đ.Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-nguoi-dan-xa-quang-phuc-tien-lang-bat-an-voi-nguon-nuoc-sach-tu-nha-may-mini-169240402160800696.htm