Hà Nội cắm biển hạn chế tốc độ trước cổng trường học

Sau thời gian thí điểm, các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường mang lại nhiều kết quả tích cực, phương tiện lưu thông tại các khu vực này đã an toàn hơn so với trước đây.

(Ảnh minh họa. Thành Đạt/TTXVN)

(Ảnh minh họa. Thành Đạt/TTXVN)

Ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông thành phố Hà Nội, cho biết sau thời gian thí điểm, các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng cụm trường học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) và cụm trường học Sài Sơn (huyện Quốc Oai) mang lại nhiều kết quả tích cực, phương tiện lưu thông tại các khu vực cổng trường này đã an toàn hơn so với trước đây.

Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025, từ cuối năm 2013, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thí điểm các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng cụm 3 trường học nêu trên.

Các giải pháp được triển khai dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu (GDCI). Dự án đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tốc độ của phương tiện khi qua khu vực trường học.

Cụ thể, trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du và cụm trường học Sài Sơn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cắm biển hạn chế tốc độ, phương tiện qua khu vực cổng trường học không vượt quá 30 km/giờ. Đồng thời, cơ quan chức năng làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường tại khu vực cổng trường học, kết cấu bằng bê tông nhựa với chiều cao 9cm, vuốt nối êm thuận với mặt đường hiện trạng; tổ chức lại nút giao bằng đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường.

Để tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông, các đơn vị liên quan đã sơn, kẻ các lối cho người đi bộ qua đường bằng vạch màu trắng. Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du cũng được tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh để bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự cho khu vực.

Tại cụm trường Xuân Đỉnh, một số vị trí không có hè đường cho người đi bộ, dự án đã điều chỉnh mở rộng, bổ sung lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang gắn dưới lòng đường. Cùng với đó, làn đường dành cho học sinh đi xe đạp được bố trí qua nút giao.

Cùng với các giải pháp về hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với các nhà trường hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh nắm rõ phương án, tuân thủ các điều chỉnh tổ chức giao thông; đồng thời bố trí lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng khác hướng dẫn giao thông trong các khung giờ cao điểm, giờ tan trường.

Để đánh giá kết quả dự án thí điểm, Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu (GDCI) đã thu thập thông tin, khảo sát bằng hình ảnh, phim, phiếu khảo sát, điều tra. Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ của phương tiện khi đi qua các cổng trường học được thí điểm đã giảm, không còn xảy ra các vụ va chạm giao thông tại đây.

Kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người tại cụm trường học Sài Sơn cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng các giải pháp an toàn của dự án đã tăng 18%. Số người chọn đi xe đạp đến khu vực này hằng ngày tăng 5% và có tiềm năng tăng thêm 4% trong tương lai. Số người được hỏi, cảm nhận tuyến phố sau khi được thí điểm đã an toàn hơn nhiều, tăng 27%. Đồng thời, người dân thấy khu phố an toàn hơn cho trẻ em và yên tâm hơn khi cho con tự đi bộ hoặc xe đạp đến trường. Số người được hỏi cảm thấy đường phố rất an toàn sau khi can thiệp, tăng 49%.

Nhiều phụ huynh có con học tại các trường thuộc phạm vi dự án thí điểm đều đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ mô hình cổng trường an toàn. Nếu như trước đây, phụ huynh để xe trên vỉa hè khiến người đi bộ, đặc biệt là học sinh không có lối đi lại thì với thiết kế hiện nay, không gian vỉa hè đã được giải phóng, lấy chỗ cho mọi người đi lại an toàn. Phụ huynh đưa đón con có chỗ dừng xe phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực trước cổng trường học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-cam-bien-han-che-toc-do-truoc-cong-truong-hoc-post954799.vnp