'Gót chân achilles' đang lộ ra, phép màu trên sông Hàn' sẽ kết thúc?

Phép màu từng giúp Hàn Quốc trở thành 'con rồng của châu Á' đang dần mất hiệu nhiệm khi các tập đoàn lớn có tâm thế bằng lòng với sự dẫn đầu và tỷ lệ sinh ngày càng giảm.

Phép màu dần hết hiệu nhiệm?

Bên ngoài thị trấn Yongin, cách Seoul 40km về phía Nam, một nhóm máy đào đang bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ “cuộc chiến bán dẫn” mà tổng thống Hàn Quốc liên tục nhắc đến trong thời gian qua.

Khu vực rộng 1.000 mẫu Anh này được nhà sản xuất chip SK Hynix lựa chọn để xây dựng cụm cơ sở sản xuất chip mới, trong đó có nhà máy chế tạo chip bán dẫn ba tầng lớn nhất thế giới. Thế nhưng đây cũng chỉ là một phần nhỏ so với khoản đầu tư trị giá 220 tỷ USD của Samsung Electronics tại Yongin.

Trong cuộc họp với giám đốc điều hành của SK Hynix, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun khẳng định: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ đầy đủ cho SK Hynix để đảm bảo rằng các công ty của chúng ta không bị tụt lại trong cuộc đua chip toàn cầu”.

Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều đồng ý rằng các khoản đầu tư vào Yongin là yếu tố cần thiết để các nhà sản xuất chip Hàn Quốc duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực chip tiên tiến cũng như đáp ứng được nhu cầu liên quan đến AI đang bùng nổ trên toàn cầu.

Tuy vậy, tham vọng này của Hàn Quốc lại khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại. “Quyết tâm của chính phủ Hàn Quốc trong công cuộc hỗ trợ ngành sản xuất công nghệ - cỗ máy tăng trưởng truyền thống của quốc gia châu Á này cho thấy Hàn Quốc không sẵn sàng, hoặc không có khả năng cải cách một mô hình tăng trưởng đang có dấu hiệu cạn kiệt”, tờ Financial Times trích lời các chuyên gia kinh tế.

Trong giai đoạn 1970 – 2022, Hàn Quốc chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 6,4%/năm. Thế nhưng vào năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã đưa ra cảnh báo tốc độ tăng trưởng hàng năm đang trên đà lao dốc, từ 2,1% trong thập niên 2020 xuống còn 0,6% trong thập niên 2030 và 0,1% vào thập niên 2040.

Những trụ cột của mô hình tăng trưởng cũ như công nghệ và lao động giá rẻ có vẻ sẽ không còn là “phép màu trên sông Hàn” nữa.

Ông Park Sangin, giáo sư kinh tế của Trường trường cao học hành chính công thuộc Đại học quốc gia Seoul, nhận định “gót chân achilles của Hàn Quốc đang lộ ra khi các đối thủ Trung Quốc thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua phát triển công nghệ”.

“Nhìn từ bên ngoài, mọi người thường cho rằng Hàn Quốc cực kỳ năng động. Nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc – mô hình dựa trên việc bắt chước các quốc gia khác về cơ bản đã không thay đổi từ những năm 1970 và không còn hiệu nhiệm trong bối cảnh hiện nay”, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cũng thừa nhận: “Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức lớn nếu cứ bám sát mô hình tăng trưởng cũ”.

Mặc dù vậy, không dễ dàng để Hàn Quốc thực sự thoát khỏi mô hình tăng trưởng vốn đã mang lại “phép màu” cho quốc gia châu Á này.

Mô hình này đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Hàn Quốc từ một xã hội nông nghiệp nghèo khó trở thành một cường quốc công nghệ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ.

Tuy vậy, sau khi đạt đỉnh cao vào năm 2011 với việc dẫn đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ, mô hình này dần không còn hiệu nhiệm với Hàn Quốc.

Giáo sư Park Sangin cho rằng kể từ khi các công ty công nghệ Trung Quốc bắt kịp các đối thủ Hàn Quốc ở hầu hết mọi lĩnh vực, ngoại trừ bán dẫn tiên tiến nhất, thì mô hình tăng trưởng vốn từng là phép màu lại không còn phù hợp.

“Các công ty Trung Quốc từng là khách hàng hoặc nhà cung cấp của các công ty Hàn Quốc giờ đây lại trở thành đối thủ. Các ông lớn công nghệ của Hàn như Samsung, LG đang phải cạnh tranh để sinh tồn trong ngành công nghiệp màn hình toàn cầu mà họ từng thống trị vài năm trước”, ông nói.

Vì đâu nên nỗi?

Theo giáo sư Park Sangin, “các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc do các gia tộc kiểm soát (chaebol) đã chuyển từ “tư duy tăng trưởng sang tâm thế bằng lòng với sự dẫn đầu. Điều này đang kìm hãm sự đổi mới của nền kinh tế Hàn Quốc”.

Không chỉ vậy, việc các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc được hưởng nhiều lợi ích đáng chú ý đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà cung cấp trong nước của họ, những công ty đã phải chịu sự chèn ép bởi các mối quan hệ hợp đồng độc quyền.

Những lo lắng về tăng trưởng trong tương lai của Hàn Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. Theo dự báo của Viện Y tế và xã hội Hàn Quốc, GDP Hàn Quốc vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022 do dân số trong độ tuổi lao động giảm gần 35%.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc suy giảm hơn khiến giới trẻ nước này phải vật lộn với nhiều gánh nặng học tập, tài chính và xã hội. Hàn Quốc có khoảng cách lương theo giới tính lớn nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thành viên của OECD.

Dự kiến đến năm 2070, 46% người Hàn Quốc sẽ trên 65 tuổi. Hiện nay, nước này có tỷ lệ người già nghèo cao nhất trong số các nước phát triển. Ngoài ra, Hàn Quốc đang là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất trong số 38 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

“Tăng trưởng chậm lại đã khiến tỷ lệ sinh giảm, điều này sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm hơn nữa. Hàn Quốc có nguy cơ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn”, chuyên gia Seungheon Song của McKinsey nói.

Thêm vào đó, chi tiêu cho học phí tư tiếp tục tăng khi sự cạnh tranh vào các trường đại học ngày càng khốc liệt. Các cải cách về lương hưu, nhà ở và y tế đã bị đình trệ, trong khi các chiến dịch lâu dài nhằm hạn chế sự phụ thuộc của đất nước vào các tập đoàn, thu hẹp khoảng cách lương giữa các giới vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tất cả những điều này biến Seoul, từ trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, trở thành một trung tâm tài chính đạt được rất ít tiến triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Choi vẫn giữ niềm tin rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể được cải cách, đồng thời nhấn mạnh rằng “sự năng động đã gắn liền với DNA của Hàn Quốc”. “Phép màu vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cần thiết kế lại các chính sách để giải phóng sự năng động kinh tế đó một lần nữa”, ông nhấn mạnh.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/got-chan-achilles-dang-lo-ra-phep-mau-tren-song-han-se-ket-thuc-20180504224298145.htm