Gian nan cuộc chiến 'chặt đứt vòi bạch tuộc' ma túy

Nhắc đến ma túy, người ta thường liên tưởng tới các loại truyền thống như heroin, thuốc phiện, cần sa hay cùng lắm là những viên ma túy tổng hợp, ma túy đá. Song thực tế, ma túy đã biến đổi muôn hình vạn trạng, 'tiến hóa' mỗi ngày với nhiều chất mới, dạng mới, vươn 'vòi bạch tuộc' đến từng ngóc ngách của cuộc sống.

Ma túy đã biến hóa muôn hình vạn trạng vào các sản phẩm phổ biến trong đời sống. Ảnh: Thế Mạnh

Ma túy đã biến hóa muôn hình vạn trạng vào các sản phẩm phổ biến trong đời sống. Ảnh: Thế Mạnh

Hiểm họa từ không gian mạng

Hàng loạt vụ ngộ độc liên quan đến các loại ma túy mới. Nhiều đối tượng, cơ sở kinh doanh bị phát hiện cung cấp ma túy mới núp bóng cho "dân chơi". Dù là đồ uống hay thực phẩm, tất cả đều có thể trở thành đối tượng trung gian để các loại ma túy mới này pha trộn, ẩn núp.

Theo chia sẻ của một cán bộ chống ma túy lâu năm, chỉ riêng nhóm cần sa tổng hợp có đến 200 chất. Tuy nhiên, mới chỉ một số chất được các đối tượng đưa vào sử dụng. Gần đây, qua các cuộc truy bắt, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 5 chất thuộc nhóm này. Các chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp sẽ gây ảo giác, kích thích lên hệ thần kinh trung ương, gây ra các hiện tượng như “ngáo”, dễ dẫn đến không kiểm soát được hành vi, ảnh hưởng đến cả cơ quan hô hấp, cơ quan bài tiết của cơ thể người.

Ma túy mới có thể nằm trong bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm có chứa chất ma túy, được sản xuất đóng gói, có giấy phép của cơ quan chức năng, loại này chủ yếu ở nước ngoài mang về.

Cũng có loại các đối tượng lợi dụng, đưa tinh dầu cần sa tổng hợp vào các loại thuốc lá điện tử, tẩm ướp vào thuốc lào, thuốc lá sợi để người trẻ sử dụng. Việc đưa tinh dầu và tẩm ướp không xác định được hàm lượng, khiến người sử dụng không xác định được mức độ nguy hại. Khi giám định bằng phương pháp thông thường cũng rất khó phát hiện.

Một số loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức đóng gói sản phẩm giống như các loại đồ uống mà giới trẻ ưa chuộng. Đây cũng là thủ đoạn tinh vi của tội phạm, nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Đơn cử một vụ việc tại Đà Nẵng cách đây vài tháng. Qua nhiều lần theo dõi, lực lượng công an nghi ngờ nước dâu, nước cam có chứa ma túy nhưng không thu được kết quả. Cuối cùng, trong một chuyên án, cơ quan công an đã phát hiện một sản phẩm “nước nho” chứa một loại ma túy mới. Vỏ bọc của loại ma túy này “an toàn” đến mức, đối tượng công khai livestream trên mạng xã hội để rao bán.

Các loại ma túy dạng mới đang tìm mọi cách để tuồn vào thị trường, thâm nhập vào các cơ sở giải trí, cơ sở lưu trú như một cách ngụy trang tinh vi. Chỉ cần những giao dịch chóng vánh trên mạng xã hội, ma túy sẽ được chuyển tận tay người dùng.

Theo lời kể của đối tượng L.C.H.Đ (quê quán Hà Nam) khi bị bắt giữ khai nhận quen được một thanh niên trong quán bar dụ dỗ vào đường dây bán ma túy trả thù lao. Sau khi Đ nhận lời, đối tượng sẽ giấu ma túy ở những vị trí khác nhau, sau đó gửi ảnh cho Đ ra cầm về.

Khi có khách mua, đối tượng sẽ nhắn thời gian, địa điểm giao để Đ thực hiện. Tiền hàng khách sẽ chuyển khoản thẳng cho đối tượng. H.Đ bị bắt khi đang giao ketamin và thuốc lắc cho con nghiện trên địa bàn quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Điều đáng nói là, tang vật thu giữ được từ H.Đ có cả những gói dạng cafe nhìn rất bình thường, khó có thể nghĩ rằng đó là ma túy.

Một vài con số thống kê từ Bộ Công an cũng cho thấy việc truyền bá, mua bán ma túy trên không gian mạng, nơi công cộng hiện nay hết sức ngang nhiên. Cụ thể, các đơn vị chức năng rà soát ghi nhận tới 400 kênh, hội nhóm, tài khoản cá nhân có hoạt động quảng cáo, mua bán trái phép ma túy công khai trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, có hàng chục website có nội dung quảng cáo, hướng dẫn trồng cây cần sa, cây thuốc phiện. Đây là một hiểm họa vô cùng lớn cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng có thói quen sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Cũng là khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng.

Tuyên truyền để phòng ngừa

Bên cạnh việc đấu tranh với hiểm họa ma túy không biên giới trên không gian mạng thì tại các khu vực biên giới hữu hình, lực lượng chức năng cũng đang hết sức tập trung, cảnh giác trước sự liều lĩnh của các băng nhóm chuyên đưa ma túy từ Tam Giác Vàng qua Campuchia, Lào về việt Nam.

Các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở, đêm tối, đi theo những đường mòn lối mở để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Để đấu tranh, các lực lượng luôn nắm chắc tình hình địa bàn, tổ chức điều tra cơ bản, phối hợp lên danh sách các đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới để vừa cảnh giác, đấu tranh, vừa tuyên truyền để ngăn ngừa việc bị lợi dụng, phạm tội.

Đối với cơ quan hải quan, từng cán bộ công chức, từng tổ đội cảnh giác cao trong quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng các thiết bị chuyên dụng; thường xuyên làm việc với các nhà xe, các hành khách qua lại cửa khẩu để trao đổi, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm ma túy. Đồng thời, cơ quan hải quan tăng cường tuyên truyền vận động người dân, hỗ trợ các trường học, tăng cường giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên về nguy hại của ma túy.

Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các lực lượng chuyên trách sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đảm bảo thống nhất, nhuần nhuyễn, nhất quán, kịp thời và hiệu quả.

Kết quả đấu tranh phòng, chống ma túy

Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 114 vụ/129 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 44 vụ. Tang vật thu được bao gồm: 160 gram thuốc phiện; 71,5 kg cần sa; 30,5 kg heroin; 145,2 kg ketamin và 900 viên ketamin; 208,7 kg và 3 viên ma túy tổng hợp; 180 kg và 220 viên ma túy khác.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gian-nan-cuoc-chien-chat-dut-voi-bach-tuoc-ma-tuy-150796.html