Giảm giờ làm để tăng năng suất lao động

Giảm giờ làm phải gắn liền với cải thiện năng suất, tăng lương, tăng thu nhập, đảm bảo mức sống của người lao động.

Em họ tôi làm công nhân trong một công ty giày da tại Thanh Hóa. Với mức thu nhập chính cộng thêm tiền lương làm tăng ca, bình quân mỗi tháng em tôi nhận được hơn 6 triệu đồng. Mức lương này không cao, nhưng do làm gần nhà, không phải thuê trọ… nên cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống ở quê.

Để nhận được mức lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng, em họ tôi phải làm việc tất bật 45- 46 tiếng mỗi tuần. Trong đó, lương cơ bản chỉ hơn 4 triệu, còn lại tiền lương tăng thêm trông cả vào thời gian làm thêm giờ.

Có lần, em chia sẻ với tôi, viên chức nhà nước được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, còn công nhân vẫn phải làm ngày thứ Bảy. Để đủ sống, công nhân bắt buộc phải làm thêm giờ, thậm chí làm cả ngày cuối tuần.

Dù vất vả nhưng có việc làm thêm còn hơn không. Bởi vì, ngay thời điểm sau dịch Covid-19, khi công ty thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm ngày 8 giờ nên lương cơ bản rất thấp. Đến nay, khi kinh tế dần phục hồi, đơn hàng về nhiều, công nhân được làm thêm giờ nên thu nhập mới ổn định trở lại.

Trường hợp em họ tôi và rất nhiều công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay có thể thấy, việc giảm giờ làm không phải là việc có thể làm ngay. Bởi vì, giảm giờ làm đồng nghĩa với mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Nhiều lao động nếu không làm thêm giờ thì lương không đủ sống. Ảnh minh họa: Hoàng Minh

Nhiều lao động nếu không làm thêm giờ thì lương không đủ sống. Ảnh minh họa: Hoàng Minh

Thống kê từ Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, công nhân lao động chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, đóng góp trên 65% GDP của cả nước, song thực tế mức sống, tiền lương vẫn chưa đảm bảo, khiến người lao động buộc phải lựa chọn làm thêm giờ, tăng ca…

Ngay tại Hà Nội, địa phương tập trung đông công nhân, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, mặc dù năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn tăng từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng, riêng quý 1/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Phải tăng năng suất lao động

Để giảm giờ làm, không còn cách nào khác phải cải thiện năng suất, tăng lương, tăng thu nhập, đảm bảo mức sống của người lao động.

Thế nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, chưa chú trọng đến việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất lao động chưa cao.

Việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động dù những năm qua được chú trọng nhưng chủ yếu vẫn là lao động làm việc giản đơn, chậm thích ứng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất lao động thấp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến quý 1/2024 tại Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 27,8%, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, thấp hơn so với các nước phát triển. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Từ thực trạng trên, nếu giảm giờ làm ngay xuống 40 giờ mỗi tuần sẽ rất khó thực hiện, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Do vậy, thay vì giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 40 giờ mỗi tuần, Nhà nước nên xây dựng chính sách giảm dần giờ làm xuống còn 44 giờ cho khối doanh nghiệp ở một số lĩnh vực phù hợp. Như thế, người lao động chỉ đi làm sáng thứ Bảy còn chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật người lao động được nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe.

Về lâu dài, để giảm thời gian làm việc xuống còn 40 giờ mỗi tuần, thậm chí 35 giờ mỗi tuần như các nước phát triển, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để cải thiện, nâng cao năng suất lao động.

Cụ thể, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại nâng cao trình độ sản xuất; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, giúp người lao động thích ứng với tiến bộ khoa học, công nghệ, thích ứng với trình độ sản xuất theo hướng hiện đại.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể giúp doanh nghiệp đứng vững, tạo nên giá trị sản xuất kinh doanh cao.

Khi năng suất lao động được cải thiện, doanh nghiệp mới có thể bảo đảm chế độ lương thưởng cho người lao động. Lúc đó giảm giờ làm sẽ giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, nâng cao trình độ, tạo giá trị cạnh tranh cho nền kinh tế bằng chất lượng nguồn nhân lực.

Tháng 11/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Mục tiêu là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là các trụ cột chính.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giam-gio-lam-de-tang-nang-suat-lao-dong-2281406.html