Giải mã công nghệ 'hồi sinh' người chết gây tranh cãi dư luận

Trong thời gian gần đây, dịch vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để 'hồi sinh' người chết trở nên phổ biến. Theo đó, người dùng dịch vụ này có thể 'gặp lại người thân đã mất'.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các chuyên gia đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để “ hồi sinh” người chết. Ngành công nghiệp về thế giới bên kia khá phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Các công ty, doanh nghiệp cung cấp loạt dịch vụ “hồi sinh” người chết, từ tạo trang web, tài khoản mạng xã hội, chatbot trò chuyện đến các dịch vụ AI dựa trên hành vi của người đã qua đời.

Trung Quốc là một trong những nơi khá thịnh hành ngành công nghiệp AI "hồi sinh" người đã khuất. Trong số những trường hợp từng sử dụng dịch vụ này, đáng chú ý là việc một người cha ở Trung Quốc dùng AI để hồi sinh đứa con trai duy nhất đã qua đời vì bệnh tật vào tháng 12/2023.

Người cha đã đặt chiếc điện thoại di động lên phần mộ rồi bật đoạn ghi âm những lời người con trai chưa bao giờ nói khi còn sống và được AI hiện thực hóa.

"Con biết cha ngày nào cũng đau khổ vì con, cảm thấy có lỗi và bất lực. Dù con không thể bên cha nhưng linh hồn con vẫn ở thế giới này, đồng hành cùng cha suốt cuộc đời", giọng nói trong điện thoại vang lên.

Câu chuyện trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và các mạng xã hội. Từ đó, nhiều người biết đến sản phẩm dựa trên công nghệ AI, có thể tái tạo hình ảnh, âm thanh, lời nói, hành vi, thậm chí cả tính cách và cảm xúc của người đã khuất. Một số người gọi đó là "bạn đồng hành kỹ thuật số" hay "sự bất tử kỹ thuật số AI".

Dịch vụ sử dụng AI để “hồi sinh” người chết "nở rộ" ở Trung Quốc với chi phí từ 5.000 - 10.000 nhân dân tệ (700 - 1.400 USD) cho mỗi lần sử dụng công nghệ để "gặp lại" người đã khuất.

Mặc dù dịch vụ “hồi sinh” người chết bằng AI mang đến những hiệu quả tích cực nhưng khiến một số chuyên gia lo ngại về vấn đề đạo đức. Họ cho rằng, AI sao chép giọng nói và hành vi của người đã mất từ đó khiến họ nói hoặc làm những điều họ chưa từng thực hiện.

Thậm chí, một số người cho rằng việc tạo ra một phiên bản AI của người đã mất bị xem là ngành công nghiệp bán sự sống sau cái chết.

Thêm nữa, nhiều người lo ngại dịch vụ sử dụng AI để “hồi sinh” người chết sẽ khiến thông tin về người mất trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ lừa đảo. Người thân, bạn bè có thể cung cấp dữ liệu AI về người đã khuất và sau đó giả làm nhà ngoại cảm để có thể "giao tiếp với các linh hồn".

Mời độc giả xem video: Nóng: Trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán tuổi thọ của một người.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-cong-nghe-hoi-sinh-nguoi-chet-gay-tranh-cai-du-luan-1989609.html