Giá xăng có khả năng giảm tiếp vào ngày mai

Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai 16/5 được dự báo tiếp tục giảm. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm từ 280-400 đồng/lít.

Ảnh minh họa: Quách Sơn - Mekong ASEAN

Ảnh minh họa: Quách Sơn - Mekong ASEAN

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/5, giá dầu WTI đạt 78,4 USD/thùng, tăng 0,03 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 82,7 USD/thùng, giảm 0,6 USD/thùng.

Trong khi đó, thị trường xăng dầu Singapore những ngày qua đã có xu hướng giảm nhẹ. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 14/5, giá xăng RON 92 đứng ở mức 94,01 USD/thùng, giảm 3,42 USD; giá xăng RON 95 ở mức 99,03 USD/thùng, giảm 2,95 USD; giá dầu diesel ở mức 98,34 USD/thùng, giảm 1,71 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 9/5).

Trước diễn biến của giá thế giới, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều 16/5 được dự báo giảm nhẹ. Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm 280-400 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu diesel có thể tăng 200 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng giảm ít hơn.

Nếu dự báo trên là chính xác, các mặt hàng xăng trong nước sẽ có phiên giảm giá thứ hai liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 19 phiên điều chỉnh, trong đó có 7 phiên giảm và 9 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 9/5, sau gần 2 tháng trụ quanh mức đỉnh 25.000 đồng/lít, giá xăng RON 95 đã hạ nhiệt khi cơ quan điều hành quyết định giảm 1.288 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92. Giá bán của mặt hàng này hiện là 22.623 đồng/lít; xăng RON 95 giảm mạnh 1.411 đồng, giá bán mới là 23.544 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh giảm nhẹ hơn, với dầu diesel giảm 759 đồng, giá bán mới là 19.847 đồng/lít; dầu hỏa giảm 843 đồng, giá bán mới là 19.701 đồng/lít; dầu mazut giảm ít nhất, ở mức 160 đồng, giá bán không cao hơn 17.503 đồng/kg.

Cũng tại kỳ điều hành chiều 9/5, cơ quan điều hành không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/5 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tại hội thảo, có những kiến nghị nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến đa chiều về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Lập luận rằng, có những lúc Quỹ hoạt động thiếu minh bạch, tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường, ông Ngô Trí Long nêu ý kiến: “Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ Quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định, xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, nền kinh tế và người dân. Vì vậy, quản lý xăng dầu là vấn đề vô cùng khó, không chỉ tại Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, trong quản lý xăng dầu, nếu giá cao, giá tốt thì có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng lại ảnh hưởng đến nhiều vấn đề của nền kinh tế. Ngược lại, nếu giá thấp thì doanh nghiệp thua lỗ, không có động lực kinh doanh, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

"Theo đó, soạn thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu là công việc vô cùng phức tạp, nhiều áp lực,” ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, dựa trên các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo Nghị định sẽ tiếp tục phân tích, lựa chọn và tiếp thu để hoàn thiện dự thảo.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-co-kha-nang-giam-tiep-vao-ngay-mai-post34624.html