Giá vàng SJC tiếp tục giảm 900.000 đồng/lượng, nên mua hay bán vàng?

Chiều cuối tuần (ngày 12/5), giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 87 - 89,2 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng mua vào và 900.000 đồng/lượng bán ra so với cuối phiên ngày 11/5. Mức chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra vẫn cao là 2,2 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua vàng.

Nhiều người dân "sốt ruột" lo sợ giá vàng SJC còn đạt đỉnh mốc kỷ lục 100 triệu đồng/lượng nên kiên trì xếp hàng đi mua.

Nhiều người dân "sốt ruột" lo sợ giá vàng SJC còn đạt đỉnh mốc kỷ lục 100 triệu đồng/lượng nên kiên trì xếp hàng đi mua.

‘Nếu mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép’

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Người dân không nên mua vào vàng SJC vì giá đang ở mức quá cao. Việc tăng nóng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và giá sẽ ổn định trở lại.

Tại hệ thống Doji, giá SJC mua vào – bán ra là 85,2 – 86,7 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối phiên chiều 11/5.

Trước đó vào sáng 12/5, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC là 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 3,2 triệu đồng/lượng so với sáng 11/5. Đây là doanh nghiệp niêm yết vàng miếng SJC thấp nhất trên thị trường.

Mặc dù phiên cuối tuần giảm, nhưng giá vàng SJC vẫn có một tuần biến động mạnh. Kết tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng hơn 4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng nhẫn cũng đứng im quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Trong khi đó cùng thời điểm, giá vàng thế giới đứng im ở mốc 2.360 USD/ounce.

Từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá vàng miếng liên tục chinh phục nhiều đỉnh cao mới với nhiều ngưỡng quan trọng như: 88 - 89 - 90 triệu đồng/lượng. Ngày 5/5 giá vàng 85,9 triệu đồng/lượng, sau 2 ngày giá vàng lên 87,5 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại đó, 1 ngày sau giá vàng lại chinh phục đỉnh 88 triệu đồng/lượng và đến ngày 9/5, giá vàng tới ngưỡng 89,1 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, sau 5 lần biến động biểu giá chỉ trong hơn 2 tiếng buổi sáng 10/5, giá vàng miếng SJC vẫn không ngừng tăng. Đầu giờ chiều 10/5, giá vàng miếng SJC đã chạm đỉnh mới 92,4 triệu đồng/lượng bán ra.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về việc người dân có nên mua vàng lúc này, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích: “Thời điểm này nếu mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Thứ nhất, giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau là một rủi ro; thứ hai sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cũng là rủi ro. Vì vậy, lời khuyên cho những nhà đầu tư dài hạn, đầu tư an toàn là không nên chạy theo tài sản đầu tư mà có quá nhiều rủi ro”.

Theo TS Đinh Thế Hiển, nhìn vào diễn biến giá vàng thời điểm này, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có tâm lý chạy theo số đông. “Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư là có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà trong nhiều tài sản đầu tư khác cũng vậy”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết.

Đề cập về kịch bản, liệu giá vàng SJC có đạt mốc 100 triệu đồng/lượng trong thời gian tới? ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho biết: “Một số người ‘ôm vàng’ vẫn đang chờ đợi giá vàng còn tiếp tục tăng mạnh. Nhưng kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng trong năm 2024 khả năng sẽ không xảy ra”.

Theo ông Ngô Thành Huấn, thời điểm thích hợp để mua hay bán vàng nên áp dụng công thức 10 - 15%. Tức là khi giá vàng tăng với biên độ 10 - 15%, người “ôm vàng” có thể bán ra. Nếu giá vàng giảm, người đầu tư có thể mua vào. Mỗi nhà đầu tư có một "khẩu vị" riêng, sẽ có quyết định riêng về thời điểm mua, bán hay tỷ trọng bán ra trong danh mục tài sản.

Đề cập tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Năm nay, khả năng giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng/lượng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30%. TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian qua. “Nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Lúc đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Theo Kitco, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt cùng với việc công bố ít dữ liệu kinh tế, thị trường vàng tuần qua đã quay trở lại tập trung vào lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy: Các chuyên gia trong ngành đang thể hiện sự lạc quan mới về kim loại quý, trong khi chỉ một nửa số nhà giao dịch bán lẻ tin rằng giá vàng có thể tăng giá vào tuần tới.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian qua, giá vàng thế giới lên cao từ một số lý do như xung đột quân sự ở nhiều nơi đang gia tăng; đồng thời có một số cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào giai đoạn trì phát - nghĩa là tăng trưởng GDP thấp nhưng lạm phát cao. Tuy nhiên, những lý do này không có nhiều cơ sở vững chắc mà chủ yếu do tâm lý kỳ vọng.

Giá vàng SJC trong nước đắt đỏ, cao hơn nhiều so với giá vàng giới là do những giải pháp được đề xuất để kéo giảm chênh lệch vẫn chưa được thực hiện. Dù mục tiêu của đấu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa thành công, chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu.

“Sắp tới khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm, giá vàng SJC dự báo sẽ còn tăng. Đối với người tiêu dùng, đây là giai đoạn cực kỳ rủi ro nếu mua vào”, TS Đinh Thế Hiển dự báo.

Chỉ đạo Công ty SJC thực hiện việc bình ổn thị trường vàng

Theo thông tin cuối giờ chiều 12/5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phía NHNN đã có buổi làm làm việc trong ngày 12/5 với lãnh đạo UBND Thành phố (TP) Hồ Chí Minh triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, phía NHNN và UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Đối với Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục thực hiện ngay việc bình ổn thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng; thực hiện nghiêm về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chế độ chứng từ, hóa đơn điện tử, báo cáo phòng chống rửa tiền, thống kê các giao dịch mua, bán vàng.

“NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro”, đại diện NHNN thông tin.

Ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sỹ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol:

Nếu Việt Nam nhập vàng với lượng lớn để đảm bảo nhu cầu mua vàng trong nước sẽ tạo sức ép, khiến tỷ giá USD so với tiền đồng tăng. Bất ổn tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế và lại tạo chính sức ép khiến người dân đổ đi mua tài sản dự phòng như vàng. Vòng xoáy này không phải chưa từng xảy ra ở Việt Nam và những kinh nghiệm quá khứ cho thấy không nên để lặp lại.

Nếu chỉ nhập vàng cầm chừng, không để ảnh hưởng lớn đến tỷ giá thì sao? Mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế cũng "cầm chừng" như vậy. Đấu thầu nửa vời không thu hẹp được chênh lệch giá vàng; nhập khẩu “nhỏ giọt” nhiều khả năng cũng sẽ như thế. Với nguồn lực dự trữ ngoại hối còn hạn chế, áp lực đồng USD lên giá với nhiều đồng tiền trên toàn cầu và áp lực nhập siêu vẫn có thể trở lại, Việt Nam không thể chủ quan với nhập khẩu vàng.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-vang-sjc-tiep-tuc-giam-900000-dongluong-nen-mua-hay-ban-vang-20240512181527337.htm