Gia hạn, giảm thuế để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng việc đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024, cùng các chính sách gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế và tiền thuê đất là những giải pháp hợp lý, kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh hơn.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

PV: Cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mới đây Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2024. Ông đánh giá thế nào về các chính sách này trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

TS. Nguyễn Đình Chiến

TS. Nguyễn Đình Chiến

TS. Nguyễn Đình Chiến: Chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 đã từng được thực hiện trong các năm 2022, 2023 và đã được đánh giá là có tác dụng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Thực tế tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy, trong quý I/2024, tăng trưởng GDP của nước ta đạt 5,66%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%... Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trở lại cũng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. So với kịch bản tăng trưởng kinh tế dự kiến (quý I có mục tiêu đạt mức tăng trưởng 5,2% đến 5,6%), kết quả tăng trưởng quý I thực tế vượt mục tiêu là bước khởi đầu tích cực cho kinh tế Việt Nam năm 2024.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... sẽ vẫn là những khó khăn, thách thức cho sự ổn định, phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh

Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài khóa nói chung, chính sách thuế nói riêng thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Việc đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024 của Chính phủ là cần thiết và chắc chắn sẽ có tác động tốt tới cung - cầu, hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

PV: Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2024; nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn để chính sách sớm đi vào cuộc sống. Ông nhìn nhận thế nào về sự chủ động của Bộ Tài chính trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Tôi được biết, theo Công văn số 4232/BTC-TCT ngày 23/4/2024 của Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong năm 2024 là 84.000 tỷ đồng.

Có thể nói, các chính sách về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất nói trên có phạm vi, mức độ hỗ trợ lớn là những giải pháp hợp lý, kịp thời giúp cho các doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Các chính sách này đã giảm tải áp lực về nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất trong một thời hạn nhất định, giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền, tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp, người dân tập trung vào sản xuất, kinh doanh; góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Với chức năng quản lý của mình, Bộ Tài chính đã rất tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

PV: Để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, theo ông, bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí, cần phối hợp đồng bộ với những chính sách nào?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Theo tôi, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, ngoài các chính sách giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất nói trên, cần phải kết hợp đồng bộ các chính sách khác nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Trong đó, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung chính như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của lĩnh vực tư nhân, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu…

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Chiến, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đã được thực hiện từ năm 2020. Trong năm 2023, việc gia hạn này được thực hiện theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.

Qua thống kê cho thấy, trong năm 2023, đã có 157.955 người nộp thuế được gia hạn với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 96.964,2 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng được gia hạn là 57.427,9 tỷ đồng; số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn là 35.957,2 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là 3.165,7 tỷ đồng; tổng số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh được gia hạn là 413,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ quý IV/2023 đến nay, tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp hơn, khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới phục hồi và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn năm 2024, duy trì sản xuất kinh doanh, trong khi vẫn phải đảm bảo giảm thiểu tác động cân đối ngân sách nhà nước ở cả trung ương và các địa phương, ngoài việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2%, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, việc thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cần được tiếp tục triển khai thực hiện.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-giam-thue-de-tang-toc-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-150920.html