Giá dầu thế giới tăng trở lại sau dự báo về nhu cầu năng lượng của Mỹ và Trung Quốc

Trong tuần này, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1%, còn giá dầu WTI tăng 2%.

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq, ngày 1/4/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq, ngày 1/4/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 1% trong phiên 17/5, trong đó giá dầu Brent biển Bắc ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong ba tuần, sau khi các chỉ số kinh tế từ hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy hy vọng về nhu cầu cao hơn.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 71 xu (0,9%%) lên 83,98 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 83 xu (1,1%) lên 80,06 USD/thùng.
Trong tuần này, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1%, còn giá dầu WTI tăng 2%.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4/2024 do lĩnh vực sản xuất phục hồi, cho thấy nhu cầu có thể tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Trung Quốc cũng công bố các biện pháp quan trọng để ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai Bob Yawger tại ngân hàng Mizuho cho biết các số liệu của Trung Quốc cho thấy tiềm năng về nhu cầu xây dựng và đã hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ cho thấy sản lượng tinh lọc dầu hàng năm của Trung Quốc giảm có thể đã ảnh hưởng đến sự hỗ trợ đó.
Dự trữ dầu và các sản phẩm tinh chế sụt giảm tại các trung tâm giao dịch toàn cầu cũng mang lại sự lạc quan về nhu cầu, đảo ngược xu hướng dự trữ tăng cao từng gây áp lực lên giá dầu thô trong những tuần trước.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 1 giàn trong tuần này lên 497 giàn, và đây là lần tăng đầu tiên sau bốn tuần,.
Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ cũng đã thúc đẩy sự lạc quan về nhu cầu dầu toàn cầu. Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4/2024, làm gia tăng kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Tư vừa qua đứng ở mức 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tương ứng của tháng Ba. Kết quả này phù hợp với dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones Newswires và The Wall Street Journal.
Dữ liệu này ủng hộ thông điệp của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi có vẻ đã “xoa dịu” được phần nào mối lo ngại của người tiêu dùng về tác động của việc tăng giá.
Tính theo tháng, lạm phát của Mỹ trong tháng Tư ở mức 0,3%, thấp hơn một chút so với dự báo. Nhà kinh tế trưởng Rubeela Farooqi của công ty nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics (HFE) viết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Nhìn chung, áp lực giá vẫn tăng nhưng đang đi đúng hướng”.
Lãi suất của Mỹ giảm có thể khiến đồng USD giảm giá, giúp dầu được giao dịch bằng "đồng bạc xanh" rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Một loạt báo cáo công bố trong tuần này cho thấy kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại, thêm bằng chứng về việc nhu cầu đang yếu đi, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất. Hoạt động xây dựng mới nhà ở và hoạt động chế tạo tại Mỹ đều ở mức thấp hơn dự kiến. Theo các báo cáo trước đó, doanh số bán lẻ giảm mạnh và lạm phát lần đầu tiên giảm trong 6 tháng.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp đình trệ trong tháng 4/2024, khi sản lượng của các nhà máy giảm, do sự lạc quan hồi đầu năm về tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo giảm bớt.
Chế tạo, lĩnh vực chiếm 3/4 tổng sản lượng công nghiệp, gặp khó khăn lớn hơn, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu không đồng đều.
Chỉ số mới nhất về hoạt động chế tạo theo Viện Quản lý Nguồn cung đã cho thấy sự suy giảm trở lại trong tháng 4, sau khi lĩnh vực này tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2022 trong tháng 3/2024.
Trước đó, báo cáo công bố ngày 15/5 cho thấy doanh số bán lẻ giảm đối với 7 trong số 13 sản phẩm. Đa phần chi tiêu là cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng, thay vì cho các hàng hóa không thiết yếu. Doanh số bán lẻ giảm sau hai tháng trước tăng mạnh, cho thấy lãi suất cao và ngân sách eo hẹp có thể khuyến khích người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu.
Nhìn chung xu hướng đi lên bao trùm thị trường dầu trong tuần qua, với sự hỗ trợ từ các tin tức kinh tế tích cực của Mỹ như thị trường việc làm và số liệu lạm phát, cũng như thông tin về nhu cầu dầu của hai nước tiêu thụ hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần 13/5, giá dầu thế giới đi lên nhờ dấu hiệu nhu cầu cải thiện tại Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Giá dầu nhận được hỗ trợ nhờ dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ sẽ tăng mạnh. Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) dự báo hoạt động du lịch trong dịp lễ Tưởng niệm năm nay sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 2005, với số chuyến đi bằng đường bộ đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2000.
Tuy vậy, giá dầu đã chốt phiên 14/5 ở mức thấp nhất trong 9 tuần, khi Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gần như giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu năm nay và năm tới, trong lúc các nhà giao dịch đánh giá về triển vọng lãi suất và tác động đến nhu cầu năng lượng.
Giá dầu giảm sau khi OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày và năm 2025 ở mức 1,8 triệu thùng/ngày, khi ngày càng khó chắc chắc về lộ trình lãi suất của Fed.
Tình thế đảo ngược trong phiên 15/5 khi giá dầu thế giới tăng gần 1% do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 2,5 triệu thùng, nhiều hơn so với dự báo giảm 500.000 thùng trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Và giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 16/5 sau dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang ổn định, làm gia tăng kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa Thu, điều này sẽ kích thích nền kinh tế và thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Về vấn đề nguồn cung, các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm định hướng từ cuộc họp sắp tới của OPEC và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ vào ngày 1/6 tới.
Theo các nhà phân tích, Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và những quốc gia thành viên OPEC có thể sẽ giữ nguyên sản lượng dầu trong ba tháng nữa khi quan chức các nước này xem xét phân bổ hạn ngạch sản lượng tại cuộc họp đầu tháng 6/2024.
Việc nguồn cung xăng dầu thắt chặt và lượng dầu dự trữ cạn được dự báo rộng rãi hồi đầu năm đến nay đã không xảy ra. Lượng dầu dự trữ, giá dầu kỳ hạn và chênh lệch giá theo lịch đều ở mức tương tự như một năm trước, khiến sản lượng khó có thể tăng đáng kể.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank cho biết trong bối cảnh giá dầu Brent giao dịch dưới 90 USD/thùng, OPEC+ có thể sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng hiện tại trong cuộc họp sắp tới.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-the-gioi-tang-tro-lai-sau-du-bao-ve-nhu-cau-nang-luong-cua-my-va-trung-quoc/333527.html