Ghế nóng: Lại chuyện 'mất bò' mới lo...

Sau bê bối 5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị công an tạm giữ để điều tra, làm rõ về hành vi sử dụng ma túy, các đơn vị liên quan phản ứng theo kiểu 'mất bò mới lo làm chuồng'.

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tạm đình chỉ thi đấu đối với 5 cầu thủ kể trên, trong khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn yêu cầu rà soát, quản lý chặt chẽ cầu thủ, vận động viên.

Vụ việc trên không chỉ là một bài học đắt giá cho bóng đá Việt Nam, mà còn giống như gáo nước lạnh giội vào niềm tin, sự yêu mến của người hâm mộ. Bản thân 5 cầu thủ lầm đường lỡ bước là rất đáng trách, song công tác quản lý cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh nói riêng và các câu lạc bộ, trung tâm thể thao trên cả nước nói chung đang bộc lộ nhiều vấn đề. Vì sao trong một thời gian dài, ban lãnh đạo, ban huấn luyện Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không nắm được tâm lý các cầu thủ để can thiệp kịp thời? Tại sao có tới 5 cầu thủ sa đọa, vi phạm pháp luật trong đội hình mà không ai hay biết, kịp thời tố cáo? Có hay không sự nhắm mắt cho qua hay vì một thế lực nào đó chống lưng khiến những người trong cuộc ngại đụng vào?

Ảnh minh họa / cand.com.vn

Ảnh minh họa / cand.com.vn

Khi đời sống cầu thủ được nâng lên, thu nhập rủng rỉnh, họ dễ bị cuốn vào cuộc sống xa hoa, trụy lạc nếu như không được định hướng, bảo ban. Đó là mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp, nơi đồng tiền đang chi phối nhiều thứ. Người ta ví cầu thủ như những mầm cây nếu như không được uốn nắn kịp thời sẽ dễ mọc lệch, cành lá chẳng ra hình thù gì. Bởi vậy, công tác giáo dục cầu thủ cần phải được tiến hành thường xuyên và liên tục, từ khi cầu thủ còn ở lứa tuổi măng non để các em thấm và ngấm những bài học sâu sắc về đời sống, về sự nghiệp.

Thật đáng bàn khi công tác giáo dục cầu thủ, vận động viên trẻ đang không được coi trọng ở nhiều câu lạc bộ, trung tâm thể thao tại Việt Nam. Chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh người thầy dạy học trò theo kiểu “thương cho roi cho vọt”, chứ không cập nhật những giáo án hiện đại để tiếp cận cầu thủ trẻ nhằm nắm bắt tâm tư và định hướng cho các em.

Nhiều nơi còn coi cầu thủ trẻ, cầu thủ năng khiếu như một gánh nặng (có câu lạc bộ giải tán đội trẻ), dồn tiền bạc, tâm huyết phát triển đội 1 để gặt hái danh hiệu, thứ hạng. Áp lực về thành tích, mặt trái của một số “ông bầu” đầu tư theo kiểu nửa vời đã khiến công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Kể ra mới thấy, những mô hình phát triển bóng đá trẻ chuyên nghiệp như Thể Công-Viettel, Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, PVF-CAND khá ít tại Việt Nam.

Phát triển bóng đá phải theo kiểu “xây nhà từ móng”, tức là dốc tâm huyết ươm mầm, dạy dỗ những tài năng trẻ thì mới mong có được những cầu thủ có tài, có đức cho bóng đá Việt Nam.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ghe-nong-lai-chuyen-mat-bo-moi-lo-776433