Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh Lý Văn Ngoan luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

19 tuổi, ông Ngoan hăng hái lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 55, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 1/1954, ông được điều động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung đoàn 77, nhiệm vụ chính là thiết kế công sự pháo binh cho Sư đoàn 351.

Ông Ngoan nhớ lại: Đồi Độc Lập là 1 trong 2 cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ trung tâm Mường Thanh, địch trang bị nhiều vũ khí hiện đại, thiện chiến, xung quanh ngọn đồi chằng chịt dây thép gai, dày đặc các loại mìn phòng ngự. Tiêu diệt đồi Độc Lập là nhiệm vụ bắt buộc được đưa ra trong đêm 14/3/1954. Khi đó trời mưa như trút, bùn nhão nhoét, đạn pháo của Pháp bắn liên hồi. Ban đêm, địch thả pháo sáng nên mọi di biến của quân ta đều phải rất cẩn thận để tránh bị phát hiện. Mọi phương án tấn công đã sẵn sàng nhưng đơn vị cối chi viện chưa thể đến được vì trời mưa to. Đến đúng 3h sáng, lệnh nổ súng mới được bắt đầu. Sau hơn 30 phút bộc phá đã mở song cửa, tiểu đội mũi nhọn ào ạt xông lên nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Pháo binh nhích từng mét để đến trận địa, trong khi đó các mũi chủ lực bắn dồn dập về phía trận địa pháo của địch để hạn chế sự chống trả. Sau gần 1 giờ, hai bên giành giật từng đoạn chiến hào. Cuối cùng quân ta đã tấn công vào các cứ điểm trung tâm. Đến 6h30 ngày 15/3, địch bỏ trận địa tháo chạy về trung tâm Mường Thanh.

Khi đó, đồi A1 có vị trí vô cùng quan trọng nên địch đã cho một tiểu đoàn tinh nhuệ chiếm giữ. Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta cũng mới chiếm được một phần nhỏ của khu vực trọng yếu này. Lúc này Bộ chỉ huy chiến dịch quyết tâm bằng mọi giá phải đào được đường hầm đưa thuốc vào làm nổ tung hệ thống hầm ngầm ở đây. Đơn vị ông Ngoan nhận nhiệm vụ đào hầm công sự tiến về sân bay Mường Thanh, việc đào hầm phải tuyệt đối bí mật. Ban ngày nằm trong hầm phía bìa rừng, đến 18h, các mũi đào giao thông hào được ngụy trang kỹ bắt đầu lên đường đào hào. Điều kiện vô cùng gian khổ, hiểm nguy, hào đào đến đâu bùn non lấp đến đó, nhiều đoạn vừa phải đào hào vừa bốc bùn non, vừa ngụy trang che mắt địch và cầm hơi lấy sức bằng những bát cơm đùm, cơm nắm. Với quyết tâm cao, quân ta đã vượt qua được tất cả để đúng giờ G, khối bộc phá ngàn cân phát nổ, đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau khi tham gia hết giai đoạn 2 của chiến dịch, ông Ngoan được điều động thực hiện nhiệm vụ mới đưa tù binh về địa phương ở Hà Giang và làm nhiệm vụ khác. Năm 1962, ông xuất ngũ về công tác tại Nông trường Mộc Châu. Tháng 10/1965 làm giáo viên tại Trường trung cấp chăn nuôi. Năm 1985, ông nghỉ hưu và sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành đến nay. Ông vinh dự được tặng thưởng Huy chương Chiến thắng hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên.

Dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh Lý Văn Ngoan luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ; gương mẫu và vận động con cháu, nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/188870/gap-go-cuu-chien-binh-tham-gia-chien-dich-dien-bien-phu.htm