Dương Nỗ, hành trình tháng 5

Hai trong bốn di tích nằm trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt nằm ở làng quê Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế). Nhắc đến làng quê bình yên, trù phú này, người ta sẽ nhớ ngay về một giai đoạn ghi dấu chân của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, mà sau này chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày hội làng Dương Nỗ góp phần quảng bá di sản của Bác Hồ tại Huế

Ngày hội làng Dương Nỗ góp phần quảng bá di sản của Bác Hồ tại Huế

Nếu Nghệ An là quê hương, nơi Người được sinh ra và sống những năm tháng đầu đời, thì Thừa Thiên Huế lại là nơi Người lớn lên, đi học, trưởng thành và tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX. Trong những năm tháng đặc biệt quan trọng đó, làng Dương Nỗ đã trở thành một địa danh không thể thiếu trong dấu ấn của Người tại Thừa Thiên Huế.

Trong không khí cả nước Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng quê Dương Nỗ - nơi Người từng sống những năm tháng tuổi thơ, không khí rất rộn ràng với nhiều lễ hội, hoạt động tôn vinh và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt đời hy sinh cho đất nước, cho dân tộc. Năm này, cũng là dịp kỷ niệm 126 năm Bác Hồ về sống tại làng Dương Nỗ (1898 - 2024).

Nhiều trong các hoạt động chính ấy được tổ chức tại hai di tích quốc gia đặc biệt, đó là Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ. Một trong những điểm nhấn của lễ hội diễn ra vào dịp này đó là lễ rước hoa sen, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đình làng đến Nhà lưu niệm đúng vào ngày sinh của Người, với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, người dân và du khách.

Từ Đình làng, đội đoàn rước trang nghiêm với cờ Tổ quốc, cờ hội, đội kèn, bàn lễ đặt di ảnh Bác Hồ và những đóa sen hồng tươi thắm sẽ đi dọc con sông Phổ Lợi và dừng chân ở Nhà lưu niệm.

Cùng với đó, trong suốt thời gian diễn ra ngày hội (18 – 20/5), làng Dương Nỗ sẽ trở nên rộn ràng với rất nhiều hoạt động trải nghiệm, hứa hẹn thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi tìm về. Theo Ban tổ chức, cùng với điểm nhấn là lễ rước và triển lãm ảnh “Nét đẹp di sản Hồ Chí Minh và văn hóa làng Dương Nỗ”, sẽ có rất nhiều hoạt động hưởng ứng các trải nghiệm văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, âm nhạc truyền thống, đua trải… để phục vụ du khách gần xa. Việc tổ chức ngày hội làng Dương Nỗ nhằm tôn vinh và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thông qua đó, giới thiệu đến khách tham quan giá trị tinh thần và vật chất của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, để các di tích lưu niệm về Người trở thành địa chỉ tham quan, du lịch, tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn khách tham quan.

Theo tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Loan, và cũng để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ. Về đây, ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi ông Sắc mở lớp dạy học.

Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học đầu tiên. Sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thủy chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc. Chính những điều này đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng của Nguyễn sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Đình làng Dương Nỗ ngoài giá trị là di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của một thiết chế văn hóa làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo. Được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), nằm bên dòng sông Phổ Lợi, Đình là di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế. Cùng với Nhà lưu niệm, Đình làng Dương Nỗ đã khắc ghi trong tình cảm Bác Hồ những kỷ niệm của tuổi thơ trong sáng với nhiều trải nghiệm, khám phá, nơi đã có tác động không nhỏ đến tình cảm và nhận thức của Người.

Phan Thành

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/duong-no-hanh-trinh-thang-5-140978.html