Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm

Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới, trong đó, nội dung về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch được nhiều ý kiến góp ý.

Hình ảnh hoạt động văn hóa tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: N.M

Hình ảnh hoạt động văn hóa tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: N.M

Bảo vệ văn hóa Thủ đô

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Ban soạn thảo dự án Luật chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới có nội dung được nhiều góp ý đó là phát triển văn hóa, thể thao, du lịch.

Theo dự thảo Luật mới nhất, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ Quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng theo quy hoạch.

Trong dự thảo luật cũng nêu, các khu vực, di tích và di sản sau đây được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: khu vực Ba Đình; di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới;

Khu di tích Cổ Loa và các di tích Quốc gia đặc biệt khác, các di tích Quốc gia, bảo vật Quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô; di tích cấp Thành phố; di sản văn hóa trong danh mục được kiểm kê; khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây; phố cổ, làng cổ và làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu; Biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị.

Phân quyền cho Hà Nội

Theo dự thảo Luật mới nhất, HĐND Hà Nội quy định: nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao; huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập, tập huấn đội tuyển Quốc gia; chế độ đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài viên Quốc gia, quốc tế; việc học nghề để chuyển ngành đối với huấn luyện viên, vận động viên; văn nghệ sỹ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; Trình tự, thủ tục thành lập và nội dung ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa;

Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị; di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô quy định tại điểm c, điểm d, điểm e và điểm g khoản 4 Điều này.

UBNDTP Hà Nội có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao.

Góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-phat-trien-van-hoa-thu-do-xung-tam-373160.html