'Du lịch ngủ' trỗi dậy

Ngày càng có nhiều du khách từ bỏ những chuyến đi với lịch trình dày đặc từ sáng đến tối, thay vào đó, họ quan tâm hơn đến hình thức 'du lịch ngủ'.

Nhắc đến du lịch, chúng ta nghĩ ngay tới các chuyến phiêu lưu khám phá, chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thưởng thức nền ẩm thực đa dạng.

Thế nhưng, thay vì tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn leo lên giường ngủ ngay khi vừa tới điểm du lịch. Đây là nét đặc trưng của "du lịch ngủ" - xu hướng mới trong những năm gần đây.

"Du lịch ngủ" là thuật ngữ chỉ trải nghiệm du lịch được thiết kế đặc biệt để cải thiện chất lượng giấc ngủ của các thượng khách.

Fortune nhận định thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của thời đại "du lịch ngủ". Ngày càng nhiều khách sạn cung cấp tiện nghi và dịch vụ, bao gồm tiếp cận với đội ngũ chuyên gia giấc ngủ, nhằm giúp khách hàng có được giấc ngủ ngon.

Theo phân tích của HTF Market Intelligence, thị trường "du lịch ngủ" ước tính tăng gần 8% và đạt hơn 400 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2028.

 Khách sạn Park Hyatt New York cung cấp phòng Bryte Restorative Sleep Suite với giường thông minh được hỗ trợ bởi AI. Ảnh: Park Hyatt New York.

Khách sạn Park Hyatt New York cung cấp phòng Bryte Restorative Sleep Suite với giường thông minh được hỗ trợ bởi AI. Ảnh: Park Hyatt New York.

"Những ngày đi du lịch và trở về với cảm giác kiệt sức đã qua", tiến sĩ Rebecca Robbins, nhà nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả của cuốn sách "Ngủ để thành công!" nói.

Bà nhấn mạnh: "Ý tưởng du lịch giúp bạn phục hồi - không chỉ học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ về mặt nhận thức, mà còn nghỉ ngơi cả về thể chất lẫn tâm trí để nạp năng lượng và trở về nhà với tình thần sảng khoái - thực sự hấp dẫn".

Xu hướng mới

Các khách sạn từ lâu đã cung cấp nhiều tiện nghi như bịt mắt, rèm chống sáng và gối ngủ thoải mái. Nhưng không dừng lại ở đó, giờ đây nhiều thương hiệu tiếp tục tìm cách mở rộng dịch vụ để tăng cường trải nghiệm giấc ngủ cho khách hàng.

Theo Amanda Al-Masri, phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của Hilton, một số cơ sở của Hilton cung cấp các tiện nghi “sập nguồn”, bao gồm nệm có khả năng điều chỉnh nhiệt độ và hệ thống ánh sáng mờ.

“Chúng tôi biết một giấc ngủ ngon có thể quyết định sự thành công của chuyến đi, cũng như mang lại lợi ích lớn cho tâm trạng và sức khỏe não bộ", Al-Masri cho biết.

Ông lưu ý báo cáo xu hướng sức khỏe mới nhất của Hilton cho thấy lý do hàng đầu khiến mọi người đi du lịch là để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

 Các khách sạn tìm cách mở rộng dịch vụ để tăng cường trải nghiệm giấc ngủ cho khách hàng. Ảnh: Hilton.

Các khách sạn tìm cách mở rộng dịch vụ để tăng cường trải nghiệm giấc ngủ cho khách hàng. Ảnh: Hilton.

"Suy cho cùng, du khách đặt phòng khách sạn là để có chỗ ngủ. Trong khi đó, trước đây ngành công nghiệp khách sạn chủ yếu tập trung vào những thứ thực sự làm mất ngủ”, bà Robbins nhận định.

Trong bối cảnh đó, khách sạn Conrad Bali đã giới thiệu trải nghiệm trả phí gọi là SWAY, nơi khách hàng được thưởng thức phiên trị liệu ngủ kéo dài 60 phút, trong khi được đung đưa nhẹ nhàng trên những chiếc võng hình kén.

Khách sạn hạng sang Park Hyatt New York cũng mở Bryte Restorative Sleep Suite - căn phòng rộng hơn 83 m2 với giường thông minh được hỗ trợ bởi AI. Nó giúp điều chỉnh và giảm thiểu các áp lực của cơ thể khi nằm trên nệm. Ngoài ra, loại đệm này còn có thể kiểm soát nhiệt độ, theo dõi và cung cấp số liệu thống kê, phân tích chi tiết về giấc ngủ cho khách hàng qua thiết bị điện tử như điện thoại hay máy tính.

Trước đó, đầu năm 2020, khách sạn Zedwell tập trung vào giấc ngủ đã khai trương ở London (Anh) với các phòng được trang bị hệ thống cách âm tiên tiến.

Trong khi đó, chương trình Sonesta’s Rest & Renew tại khách sạn 4 sao Benjamin Royal ở New York (Mỹ), cung cấp cho khách hàng bộ dụng cụ ngủ bao gồm thư viện nhạc ru ngủ, máy tạo tiếng ồn trắng, 10 loại gối khác nhau cùng với bộ dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ trưa nhanh.

Đối với những người muốn dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của mình cho việc chăm sóc sức khỏe, Six Senses, với các địa điểm trên toàn cầu bao gồm cả Hy Lạp, Ấn Độ và Fiji, mang đến cho khách hàng chương trình ngủ được thiết kế chọn lọc.

 Six Senses mang đến cho khách hàng chương trình ngủ được thiết kế chọn lọc. Ảnh: Six Senses.

Six Senses mang đến cho khách hàng chương trình ngủ được thiết kế chọn lọc. Ảnh: Six Senses.

Các hoạt động bao gồm thiền định cho giấc ngủ sâu và theo dõi giấc ngủ trong hai đêm, cùng với sự hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên gia, nhằm cung cấp cho khách hàng chi tiết về thời gian và chất lượng giấc ngủ.

Một kỳ nghỉ 5 đêm sẽ có giá khởi điểm từ trên 1.000 USD, và khách hàng thường lựa chọn ở 3-10 đêm.

Lý do bùng nổ

“Mọi người thường liên tưởng việc đi du lịch với những bữa ăn xa xỉ, điểm đến tham quan và hoạt động trải nghiệm thú vị. Nhưng điều này gần như phải trả giá bằng giảm thời gian ngủ", bà Robbins nói. "Còn bây giờ, tôi nghĩ vừa có sự thay đổi địa chấn lớn trong nhận thức và ưu tiên của cộng đồng. Đó là về sức khỏe và thể chất".

Sự quan tâm về “du lịch ngủ" tăng vọt kể từ sau đại dịch Covid-19, theo CNN.

Dịch bệnh toàn cầu dường như đóng vai trò lớn trong sự bùng nổ của xu hướng "du lịch ngủ", bởi mức độ căng thẳng cao hơn khiến con người ngày càng khó ngủ hơn.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Sleep Medicine cho biết 40% trong số 2.500 người trưởng thành nói rằng chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm kể từ khi đại dịch diễn ra.

“Người ta chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ trong thời đại Covid-19. Có thể là do rất nhiều người đã phải vật lộn để ngủ”, bà Robbins cho biết.

Nhà thôi miên trị liệu, thiền định Malminder Gill cũng nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của nhiều người đối với giấc ngủ.

“Mọi thứ (con người làm) dường như đang hướng tới việc sống lâu hơn và tôi nghĩ điều đó đã thực sự thúc đẩy mọi thứ”, Gill nói.

“Không có gì ngạc nhiên khi giấc ngủ là khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau cho cơ thể và sức khỏe tinh thần”, cô nhấn mạnh. “Lo lắng, trầm cảm, tâm trạng chán nản - đủ thứ, trên hết là sự mệt mỏi”.

 Ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến hình thức "du lịch ngủ". Ảnh: Hilton.

Ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến hình thức "du lịch ngủ". Ảnh: Hilton.

Gill đã hợp tác với Cadogan, khách sạn Belmond ở London, để mở dịch vụ đặc biệt phục vụ khách hàng có vấn đề về giấc ngủ với tên gọi Sleep Concierge.

Dịch vụ này bao gồm phát âm thanh thiền cho giấc ngủ, cung cấp nhiều loại gối cho những khách có thể thích nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, trọng lượng chăn tùy chọn, cùng loại trà đặc biệt giúp dễ ngủ và một chiếc gối thơm.

"Những thứ khác nhau phù hợp với những người khác nhau ở giai đoạn khác nhau trong cuộc đời", Gill nói về sự đa dạng lựa chọn trong dịch vụ này.

Nhưng liệu trải nghiệm du lịch tập trung vào giấc ngủ ngắn hạn này có thực sự tác động lâu dài đến giấc ngủ của con người hay không?

Theo tiến sĩ Robbins, những trải nghiệm du lịch ưu tiên cho giấc ngủ lành mạnh có thể mang lại nhiều lợi ích nếu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tham vấn ý kiến từ các chuyên gia.

Chẳng hạn, khách sạn 5 sao Mandarin Oriental tại Geneva đã hợp tác với CENAS (phòng khám y tế tư nhân về giấc ngủ ở Thụy Sĩ) nhằm thực hiện chương trình nghiên cứu kéo dài 3 ngày, ghi chú thói quen ngủ của khách hàng từ đó xác định các vấn đề tiềm ẩn về giấc ngủ cũng như sức khỏe.

Mặc dù phần lớn các cơ sở du lịch tập trung vào giấc ngủ chủ yếu vẫn nằm trong phân khúc du lịch hạng sang, bà Robbins tin rằng tất cả khách sạn và khu nghỉ dưỡng nên dần chú ý tới nhu cầu này của du khách.

"Có nhiều cách để hỗ trợ giấc ngủ của khách hàng phù hợp với từng phân khúc", bà nói và chỉ ra "không tốn nhiều tiền khi để một cặp bịt tai bên tủ đầu giường".

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/du-lich-nam-dai-troi-day-post1456072.html