Đơn hàng gỗ hồi phục theo yêu cầu 'ít, ngắn và nhanh'

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vừa mừng vừa lo khi thị trường ấm lên, đơn hàng có trở lại nhưng lượng đơn ít, ký theo quý và bắt buộc giao nhanh, đồng thời phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới.

Doanh nghiệp dần có đơn hàng…

Thống kê toàn ngành, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sự hồi phục đơn hàng mạnh mẽ hơn doanh nghiệp nội. Thực tế thì lâu nay, miếng bánh lợi nhuận của ngành gỗ Việt vốn dĩ nằm nhiều trong tay của khối doanh nghiệp này.

Có nhà máy sản xuất nội thất đặt tại Đồng Nai với 50 năm kinh nghiệm làm trong nghề nội thất chuyên xuất hàng sang Mỹ, EU, ông Chao Chung Lee, Chủ tịch Tập đoàn Shingmark chia sẻ, hiện đơn hàng đã phục hồi và tăng 30% so với thời điểm dịch Covid-19.

“Đơn hàng năm 2024 đã full đến hết tháng 10. Trước dịch Covid-19, nhà máy có hơn 11.000 công nhân và hiện đã có hơn 7.000 lao động và tiếp tục tuyển dụng”, ông Lee nói.

Tồn kho giảm, nhu cầu thế giới tăng, đơn hàng ngành gỗ, nội thất dần hồi phục. Ảnh: Gia Hân

Tồn kho giảm, nhu cầu thế giới tăng, đơn hàng ngành gỗ, nội thất dần hồi phục. Ảnh: Gia Hân

Còn đối với doanh nghiệp nội địa,ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết so với năm 2023, những tháng đầu năm 2024 tình hình đơn hàng ngành gỗ TP.HCM khả quan hơn nhưng so với 2021-2022 thì cũng chỉ mới quay lại đường đua.

“Các thị trường chính Mỹ, EU hết hàng tồn kho nên mua lại đơn hàng. Tuy nhiên chỉ ở mức tăng trưởng ổn định nhưng vẫn không có sự mạnh mẽ như sau dịch. Ngành vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến thị trường”, ông Bảo cho hay.

Mới đây,Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Trong khi đó, vấn đề hàng tồn kho cao đang dần được khắc phục. Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, việc làm đang tăng, xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực… Đây là những tín hiệu đáng mừng cho sự hồi phục đơn hàng gỗ bởi Mỹ hiện chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành Công ty Nội ngoại thất Furnist Viet Profducts chia sẻ, đơn hàng năm 2024 đã có sự hồi phục và có tăng trưởng tốt hơn năm ngoái tuy nhiên đơn hàng không còn lớn, đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu, tiêu chuẩn cao, thời gian giao hàng tăng nhanh.

“Dù ít, ngắn, nhanh nhưng mình vẫn phải đảm bảo đơn vì đây là cách giữ mối quan hệ, giữ chân với khách hàng trước bối cảnh còn nhiều khó khăn để khi thị trường tốt trở lại thì chúng ta sẽ là lựa chọn hàng đầu của đối tác. Hơn nữa, đây cũng là cách để doanh nghiệp cầm cự, giữ chân người lao động và hoạt động sản xuất của công ty”, ông Sang nói.

Ở góc độ Hiệp hội, ông Cao Xuân Thanh, Chánh Văn phòng Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, đối với ngành gỗ thực tế phải nhìn nhận là thị trường chỉ mới “ấm” lên so với thời điểm dịch bệnh chứ hồi phục thì cũng chưa hẳn. Bởi lượng đơn hàng dù có nhưng vẫn không nhiều như trước.

Tuy nhiên, theo ông Thanh khi các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm nhập thì doanh nghiệp cũng linh hoạt chuyển hướng sang các thị trường châu Á, Đông Nam Á, điều này giúp lượng đơn hàng tăng trong những tháng gần đây.

… nhiều thách thức từ thị trường xuất khẩu

Ngành gỗ liên tục vướng phải thách thức trong việc bị áp thuế phòng vệ thương mại, gần đây nhất là Mỹ và Hàn Quốc.

Cụ thể, Hàn Quốc đã điều tra 6 công ty và áp chung cho toàn ngành là 10,54%. Riêng kỳ kiểm tra rà soát mới nhất, phía Hàn Quốc đã ra dự thảo sẽ nâng mức thuế lên đến 9,78% đến 31,28% đối với 7 doanh nghiệp (cập nhật mới nhất) lựa chọn điều tra và áp chung cho tất cả doanh nghiệp là 13,94%.

Hay 37 doanh nghiệp bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách không hợp tác (không khai báo, khai báo nhiều lần không trùng khớp) trong quá trình điều tra chống bán phá giá do vấn đề nguồn gốc xuất xứ dẫn đến bị áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp lên đến hơn 200%.

Bên cạnh đó, phía EU đưa ra các tiêu chuẩn mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định phá rừng của EU (EUDR) hay phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2) …

Lấy ví dụ về Tập đoàn IKEA dẫn chứng, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết các nhà thu mua ở Bắc Âu có xu hướng lựa chọn những nhà cung cấp có thể chia sẻ những giá trị tích cực đến với cộng đồng. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất, Tập đoàn IKEA (Thụy Điển, là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn rất mới là tiêu chuẩn IWAY, được xem là bộ quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm, là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của họ.

Như vậy, buộc các doanh nghiệp phải có sự đầu tư, thay đổi để đáp ứng yêu cầu này mới mong có được sự tăng trưởng đơn hàng mạnh mẽ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp vốn ít, không có khả năng thay đổi hết toàn bộ thì đầu tư thay đổi từng phần là lựa chọn tốt nhất.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-hang-go-hoi-phuc-theo-yeu-cau-it-ngan-va-nhanh-d215091.html