Độc đáo kiến trúc đình Lương Xá ở Gia Lộc

Xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) là vùng đất còn bảo lưu khá nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Một trong những di tích đó là đình Lương Xá được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng cấp tỉnh năm 2009.

Đình Lương Xá nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tiệp

Đình Lương Xá nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tiệp

Thờ danh tướng nhà Trần

Đình Lương Xá thờ hai vị Thành hoàng, trong đó một vị là Lương Khắc Huệ, người có công giúp vua Trần dẹp giặc và xây dựng đất nước vào thế kỷ XIII. Thân thế, sự nghiệp của ngài được ghi chép khá rõ trong tấm bia thần tích hiện lưu giữ tại đình: Lương Khắc Huệ sinh ngày 15, tháng Giêng, năm Khai Thái 6 (1329) tại trang Lương Xá, huyện Gia Phúc (nay là thôn Lương Xá, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc).

Ngôi đình còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ độc đáo. Ảnh: Quang Tiệp

Ngôi đình còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ độc đáo. Ảnh: Quang Tiệp

Từ nhỏ ông đã có khí chất thông minh hơn người. Năm 16 tuổi, nổi tiếng thần đồng cử nghiệp. Năm 20 tuổi, thông minh tài trí, thanh thế nổi tiếng khắp vùng, thơ phú trăm thiên được mọi người ca ngợi, chấn động đến kinh thành. Ông được triều đình trọng dụng, trong thì phò vua giúp nước, ngoài thì trấn an trộm giặc. Khi đất nước thái bình, Dụ Hoàng coi thường việc triều chính, biết tin Túc Vương (Thái tử Dụ Tông) yêu mến Dương Nhật Lễ, Lương đại vương can ngăn nhưng không được.

Năm Đại Trị 5 (1362), Lương đại vương cáo lão xin về hưu. Dụ Tông sắp băng hà liền ra chiếu chỉ đón lập Nhật Lễ. Lương Khắc Huệ cùng Thái tể Trần Nguyên Trác và Thiếu úy Bùi Triển bàn bạc, quyết định Nhật Lễ không phải dòng giống họ Trần nên cùng mưu giết Dương Nhật Lễ nhưng không thành và đều bị hại. Lương Khắc Huệ mất ngày 11/11. Cung Định Vương giết Dương Nhật Lễ, lên ngôi hoàng đế (tức vua Trần Nghệ Tông). Triều đình mới tặng phong cho bách thần. Lương Khắc Huệ được sắc phong thần, ban cho dân xây miếu, phụng thờ hương hỏa.

Kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết

Kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết

Giá trị di tích

Đình Lương Xá xây dựng vào năm nào hiện chưa tìm thấy tài liệu xác định. Theo các cụ cao niên trong làng, đình xưa có quy mô lớn, tu bổ, tôn tạo vào năm 1930, tọa lạc trên một khu đất cao ráo, mặt tiền hướng tây nam. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, đình Lương Xá gồm các hạng mục: ao đình, sân đình, giải vũ, nghi môn và công trình kiến trúc trung tâm kết hợp với nhiều cây xanh bóng mát tạo nên khung cảnh linh thiêng, cổ kính.

Chạm khắc hình rồng tại đầu dư. Ảnh: Quang Tiệp

Chạm khắc hình rồng tại đầu dư. Ảnh: Quang Tiệp

Năm 1947, thực dân Pháp bắn phá khu vực Gia Hòa, 5 gian đại bái đình bị trúng đạn pháo, hư hại phần mái. Cũng trong năm này, 2 dãy giải vũ và nghi môn đều bị phá bỏ. Năm 1954, sau khi quân Pháp rút khỏi địa phận Hải Dương, dân làng đã góp tiền của tu sửa lại phần mái của tòa đại bái; năm 2010, xây dựng mở rộng thêm phần hiên trước tòa đại bái; năm 2019, xây lại cổng đình, tường bao tạo không gian khép kín.

Hiện tại, ngôi đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, bảo lưu khá nguyên vẹn kiến trúc cổ vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX) với chất liệu gỗ tứ thiết chắc chắn. Hệ thống vì kèo, cột, xà được lắp khít vào nhau tạo thế giằng ngang vững chắc. Tại tòa đại bái có nhiều bức chạm nghệ thuật trên vì nách, xà, đầu bẩy, đầu dư, trụ đấu... với đề tài phong phú, đa dạng thể hiện tài năng của các nghệ nhân dân gian xưa như tứ linh (long, ly, quy, phượng), phượng hàm thư, lá lật. Các nét chạm đều cân đối, hài hòa tạo thành những bức tranh đẹp mắt. Hậu cung là nơi đặt ngai thờ Thành hoàng làng.

Đình Lương Xá hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 1 bức đại tự, 1 cửa võng, 2 long đình, 2 cỗ ngai sơn son thếp vàng, các đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo; 1 bia thần tích soạn vào năm 1933 chạm khắc chữ Hán nói về tiểu sử, sự nghiệp của Thành hoàng làng...

Không chỉ có giá trị về lịch sử và kiến trúc cổ xưa, đình Lương Xá còn gắn với các phong trào cách mạng kháng chiến của địa phương. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đình là nơi tổ chức mít tinh thành lập chính quyền cách mạng của xã và phát động phong trào "bình dân học vụ", tổ chức các lớp học chữ cho người dân quê hương.

Chạm khắc nghệ thuật trên cốn tại vì nách

Chạm khắc nghệ thuật trên cốn tại vì nách

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi tập luyện của dân quân du kích địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, phát động các phong trào tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và nhiều hoạt động yêu nước, tiễn con em địa phương nhập ngũ. Đất nước hòa bình, đình Lương Xá là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Kỳ lễ hội lớn nhất trong năm ở đình được tổ chức vào ngày 11/11 âm lịch, tưởng niệm ngày mất của Thành hoàng Lương Khắc Huệ. Vào ngày này, đông đảo dân làng có mặt từ sớm, tề tựu tại sân đình. Các cụ già đại diện cho các dòng họ vào đình để tế lễ, tri ân công lao, tài đức của các vị thần, cầu phúc lộc, bình an cho dân làng.

ĐẶNG THU THƠM

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/doc-dao-kien-truc-dinh-luong-xa-o-gia-loc-381773.html