Định danh vùng trồng: Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương.Hiện MSVT trở thành một trong những tiêu chí 'cứng' để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó, Sở NN-PTNT đang tập trung hỗ trợ các địa phương chuẩn hóa sản xuất, hoàn thiện các quy trình thủ tục theo yêu cầu để được cấp mã số này.

Hiệu quả bước đầu

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Các yêu cầu được cấp MSVT, bao gồm: Quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 1ha; cây hàng năm là 0,1ha; vùng trồng phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12.

Việc cấp MSVT mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân, như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Sản xuất đúng quy trình sẽ giúp người dân quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, năng suất lúa cũng nâng lên rõ rệt.

Sản xuất đúng quy trình sẽ giúp người dân quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, năng suất lúa cũng nâng lên rõ rệt.

Tại Quảng Bình, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp mã số; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các bước triển khai thực hiện; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký; thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá, giám sát, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt thực hiện đăng ký MSVT.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được cấp 11 MSVT với diện tích gần 34ha, chủ yếu là các sản phẩm, như: Lúa, rau, nghệ và sen. Trong đó, huyện Lệ Thủy có 2 vùng trồng lúa (xã Phong Thủy), 1 vùng trồng nghệ (xã Mai Thủy), 1 vùng trồng sen (xã Xuân Thủy); Quảng Ninh có 1 vùng trồng lúa (xã Lương Ninh), 1 vùng trồng rau (xã Võ Ninh); Tuyên Hóa có 2 vùng trồng lúa (xã Mai Hóa, Châu Hóa); Bố Trạch có 1 vùng trồng lúa (xã Bắc Trạch); TX. Ba Đồn có 2 vùng trồng lúa (xã Quảng Hải, Quảng Tân).

Phong Thủy (Lệ Thủy) là địa phương có thế mạnh về cây lúa. Trước đây, với lối canh tác truyền thống, manh mún, mỗi hộ một giống lúa, một cách chăm bón khác nhau nên chất lượng sản phẩm gạo của địa phương không đồng đều và chưa có chỗ đứng trên thị trường. Bà con chủ yếu tiêu thụ tự do, giá trị kinh tế đem lại không cao. Trước thực tế này, địa phương đã và đang nỗ lực thay đổi lại cách thức sản xuất để dần hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những nỗ lực cố gắng, hiện Phong Thủy có 2 HTX sản xuất lúa,1 HTX xay xát chế biến sản phẩm và đã xây dựng được sản phẩm gạo sạch đạt OCOP 3 sao với thương hiệu là gạo sạch Nga Hoàng.

Đặc biệt, năm 2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong và HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lộc Thượng đã được cấp MSVT, đây là cơ hội để địa phương đưa sản phẩm gạo vươn ra thị trường lớn và hướng đến xuất khẩu.

Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong cho biết: Từ khi HTX có MSVT, các thành viên tham gia tuân thủ ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cẩn thận, đúng quy định. Việc cấp MSVT không chỉ giúp HTX tiêu thụ sản phẩm lúa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích có MSVT để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Còn HTX Nông nghiệp sạch Võ Ninh (Quảng Ninh) được cấp MSVT năm 2023 với 0,3ha rau an toàn. Ông Lê Thanh Huyền, Giám đốc HTX cho biết: Để được cấp MSVT, ngay từ khi triển khai mô hình, HTX đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Khi được cấp MSVT, sản phẩm của HTX được nhiều người biết hơn, đầu ra ổn định và giá bán cũng tốt hơn. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu rau sạch ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhận thức và hành động

Cấp MSVT là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nông sản của tỉnh vươn xa ra thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy mô những vùng sản xuất được cấp MSVT trên địa bàn tỉnh vẫn “manh mún, nhỏ lẻ”, diện tích được cấp MSVT còn ít, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Các MSVT được cấp tập trung chủ yếu ở vùng trồng lúa còn các vùng trồng rau màu, dược liệu còn ít, chưa có vùng cây ăn quả. Các vùng trồng được cấp mã số của tỉnh vẫn chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa, chưa có vùng trồng cho xuất khẩu.

Đặc biệt, với thói quen sản xuất truyền thống thì việc bón phân, phun thuốc không cần ghi chép, không cần theo đúng quy trình trong khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin để quản lý về mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất... nên nhiều người không mặn mà với việc xây dựng MSVT cho nông sản.

Ông Mai Văn Húy, thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Đã có hàng chục năm gắn bó với cây lúa, tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi thực hiện sản xuất theo một quy trình bài bản với việc ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin, như: Vật tư đầu vào; việc sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng, lượng sử dụng; thông tin về thu hoạch và bán sản phẩm… Ban đầu không quen nên bà con chúng tôi rất “ngại” thực hiện. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, chúng tôi đã thực hiện rất tốt việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Việc này đã giúp chúng tôi quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, năng suất lúa cũng nâng lên rõ rệt, giá cả thu mua cao hơn nhiều so với gieo trồng thông thường.

HTX nông nghiệp sạch Võ Ninh (Quảng Ninh) được cấp MSVT năm 2023 với 0,3ha rau an toàn.

HTX nông nghiệp sạch Võ Ninh (Quảng Ninh) được cấp MSVT năm 2023 với 0,3ha rau an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Khắc Minh cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng MSVT, đơn vị thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các trình tự, thủ tục. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định. Các tổ chức, cá nhân khi đã được cấp MSVT mà vi phạm quy định thì sẽ bị đình chỉ, nếu không khắc phục sẽ bị hủy MSVT.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp cấp MSVT, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền để nông dân thay đổi thói quen canh tác truyền thống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký MSVT góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản theo cơ chế thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/dinh-danh-vung-trong-huong-den-nen-nong-nghiep-ben-vung-2217967/