Điều gì đằng sau cuộc bạo loạn chưa từng có ở New Caledonia?

Pháp đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 12 ngày kể từ ngày 15.5 trên lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của nước này sau khi các cuộc bạo loạn nổ ra, khiến 4 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.

Nguyên nhân bắt nguồn từ một dự luật vừa được Quốc hội Pháp thông qua. Song câu hỏi đặt ra là: Tại sao một vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương lại bùng phát bạo loạn vì một dự luật được bỏ phiếu ở cách đó 16.000 dặm.

Bạo lực nghiêm trọng nhất trong 30 năm

Các cuộc bạo loạn nghiêm trọng đã bước sang ngày thứ ba, với các cuộc đụng độ vũ trang giữa người biểu tình, dân quân và cảnh sát, cũng như các vụ phóng hỏa các tòa nhà và xe hơi ở thủ đô. Video trên mạng xã hội cho thấy những đám khói đen dày đặc bao phủ thủ đô. Hình ảnh cho thấy ô tô bị đốt cháy, cháy trên đường phố và các cửa hàng bị phá hoại, cướp bóc.

Khói bốc lên từ các vụ đốt phá ở New Caledonia. Ảnh: AP

Khói bốc lên từ các vụ đốt phá ở New Caledonia. Ảnh: AP

Ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn được coi là tồi tệ nhất kể từ những năm 1980. Tại thủ đô Noumea, chính quyền đã áp đặt lệnh giới nghiêm và đóng cửa sân bay chính, vốn là một trung tâm du lịch sầm uất; đồng thời cũng cấm tụ tập nơi công cộng, mang theo vũ khí và bán rượu.

Theo Le Franc, hơn 140 người đã bị bắt, trong khi ít nhất 60 nhân viên an ninh bị thương trong các cuộc đụng độ giữa các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc địa phương và chính quyền Pháp.

Denise Fisher, cựu Tổng lãnh sự Australia tại New Caledonia, nói với CNN: “Hai ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến bạo lực ở quy mô chưa từng thấy trong 30 năm qua ở New Caledonia. Điều đó giống như đánh dấu sự kết thúc của 30 năm hòa bình”.

Pháp triển khai 1.800 cảnh sát tới New Caledonia. Ảnh: AP

Pháp triển khai 1.800 cảnh sát tới New Caledonia. Ảnh: AP

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, 1.800 cảnh sát và hiến binh đã có mặt ở New Caledonia và 500 cảnh sát bổ sung sẽ đến trong những ngày tới. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền áp đặt các hạn chế di chuyển, tiến hành quản thúc và khám xét tại gia. Người phát ngôn của chính phủ Pháp cho biết các biện pháp này là cần thiết để “đối phó với những hành vi vi phạm trật tự công cộng nghiêm trọng đang xảy ra”.

Giọt nước tràn ly

Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 13.5 với đối tượng tham gia hầu hết là giới trẻ, nhằm phản đối một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Pháp ở cách đó 10.000 dặm (16.000 km) đề xuất sửa đổi Hiến pháp New Caledonia để cho phép cư dân Pháp sống ở New Caledonia từ 10 năm trở lên được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi các nghị sĩ Pháp thông qua dự luật này hôm 14.5.

Tuy nhiên, sự việc sở dĩ nghiêm trọng như vậy bởi được ví giống như giọt nước tràn ly sau nhưng căng thẳng chính trị vốn đã âm ỉ trong nhiều năm giữa cộng đồng người Kanak bản địa phần lớn ủng hộ độc lập của hòn đảo và từ lâu phản đối sự cai trị của Paris với những cư dân gốc Pháp, vốn không ủng hộ cắt đứt mối quan hệ với quê hương của họ.

Người Kanak phản đối cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Pháp không chỉ bởi họ lo ngại về việc tăng quyền bầu cử cho người gốc Pháp sẽ làm giảm quyền tự quyết của người bản địa Kank; mà còn bởi dự luật này đã được quyết định ở Paris trong khi họ không hề được hỏi ý kiến. Những người dân nơi đây cho rằng, họ cần trở thành một phần trong cuộc đàm phán.

Những thay đổi Hiến pháp được đề xuất sẽ bổ sung thêm hàng nghìn cử tri vào danh sách cử tri của New Caledonia, vốn chưa được cập nhật kể từ cuối những năm 1990. Các nhóm ủng hộ độc lập cho rằng những thay đổi này là nỗ lực của Pháp nhằm củng cố quyền cai trị của mình đối với quần đảo này.

Bối cảnh lịch sử

Nằm ở Nam Thái Bình Dương với các nước láng giềng Australia, Fiji và Vanuatu, New Caledonia là một lãnh thổ bán tự trị của Pháp, một trong hàng chục lãnh thổ hiện vẫn thuộc chủ quyền của Pháp nằm rải rác khắp Thái Bình Dương, Caribe và Ấn Độ Dương.

Pháp nắm quyền kiểm soát New Caledonia vào năm 1853. Sau đó, người da trắng gốc Pháp và người Kanak bản địa cùng sinh sống tại đây. Những người Kanak phải sống trong tình trạng phân biệt khắc nghiệt, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao.

Bạo lực bùng nổ vào những năm 1980, đã mở đường cho Hiệp định Noumea năm 1998, một lời hứa của Pháp nhằm trao quyền tự chủ chính trị lớn hơn cho cộng đồng người Kanak; đồng thời đặt ra thời hạn tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho New Caledonia trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2019.

Nhiều cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức trong các năm 2018, 2020 và 2021 như một phần của thỏa thuận mang lại cho cử tri ở New Caledonia quyền lựa chọn ly khai khỏi Pháp. Song các cuộc bỏ phiếu đều thất bại do những người ủng hộ độc lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Vai trò của cử tri Pháp cũng đã bị đóng băng kể từ Hiệp định Noumea, vấn đề mà Quốc hội Pháp đang tìm cách giải quyết trong một dự luật gây ra bạo lực vừa qua. Các nhà lập pháp Pháp ở Paris đã bỏ phiếu với 351 phiếu ủng hộ, 153 phiếu phản đối, cho phép sửa đổi Hiến pháp để “giải phóng” danh sách cử tri của lãnh thổ hải ngoại, trao quyền bầu cử cho cư dân Pháp đã ở New Caledonia trong 10 năm. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc Kanak ủng hộ độc lập lo ngại rằng những người Pháp mới đến thuộc địa cũ sẽ làm giảm tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với độc lập.

Đối thoại để tìm giải pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi một lá thư tới các nhà lãnh đạo chính trị New Caledonian kêu gọi họ “lên án rõ ràng tất cả hành vi bạo lực này” và mời cả các nhà lãnh đạo ủng hộ và phản đối đối thoại với ông tại Paris.

Trước đó, hôm 14.5, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết, Quốc hội sẽ chưa tiến hành các bước bỏ phiếu tiếp theo về đề xuất này trước khi Chính phủ hội đàm với các nhà lãnh đạo Kanak, bao gồm Liên minh độc lập Kanak và Mặt trận Giải phóng Quốc gia xã hội chủ nghĩa (FLNKS).

“Tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của New Caledonia nắm bắt cơ hội này và đến Paris để đàm phán trong những tuần tới. Điều quan trọng là sự hòa giải và quan trọng. Chúng ta cần tìm kiếm một giải pháp chung, một giải pháp chính trị và tổng thể”, ông Attal nói trên diễn đàn Quốc hội.

Đưa ra tuyên bố hôm 15.5, FLNKS đã lên án cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp, song cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và nhanh chóng chấm dứt bạo lực.

Trước tình hình trên, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nói tình hình bạo loạn đang "gây lo ngại nghiêm trọng trên toàn khu vực Thái Bình Dương". Ngoại trưởng Australia Penny Wong kêu gọi bình tĩnh, thúc đẩy trao đổi giữa các bên, đồng thời khuyên người dân Australia nên cân nhắc việc di chuyển đến thành phố Noumea ở New Caledonia.

Thời gian gần đây, Chính quyền của Tổng thống Macron đã thúc đẩy chuyển hướng mối quan tâm đối ngoại sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không ngừng nhấn mạnh rằng Pháp là một cường quốc ở Thái Bình Dương, khi Trung Quốc và Mỹ tăng cường hiện diện trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực chiến lược quan trọng này. New Caledonia, một vùng lãnh thổ hải ngoại quan trọng với tiềm năng khoáng sản lớn là trung tâm của kế hoạch đó. Chính vì vậy, cuộc khủng hoảng ở New Caledonia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách của Pháp cũng như đến nỗ lực tái đắc cử của ông Macron trong cuộc bầu cử sắp tới.

Quỳnh Vũ (Theo Reuters, CNN, Wikipedia)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/dieu-gi-dang-sau-cuoc-bao-loan-chua-tung-co-o-new-caledonia--i372063/