Địa đạo Củ Chi, nhưng là… đêm

Hơn 10 năm rồi, tôi mới trở lại địa đạo Củ Chi. Lý do cho lần 'tái ngộ' này, không gì khác, chính là để tham gia tour đêm Trăng chiến khu, một sản phẩm du lịch mới lạ, vừa được ra mắt trên địa bàn huyện ngoại thành Củ Chi, TP.HCM.

“Là người con Củ Chi, chúng ta quyết bám trụ, bảo vệ từng tấc đất quê hương mình, đúng không các anh chị?”

“Đúng...! Quyết tâm!!! Quyết tâm...!!!”

Một diễn viên vừa dứt lời, lập tức, các diễn viên khác, trong đó có cả những du khách đang đứng quanh, không ai hẹn ai, bất giác tất cả cùng đồng thanh đáp lời hưởng ứng.

Trước mắt chúng tôi lúc này là cảnh tái hiện du kích, bộ đội, thanh niên địa phương cùng tham gia đào địa đạo giữa bóng tối tịch mịch bao trùm, trên cao ánh trăng khi tỏ khi mờ. Được dẫn dắt một cách tự nhiên, du khách dần “bước vào” chương trình Trăng chiến khu, diễn ra ngay tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Các diễn viên một mặt bám chắc vào kịch bản, mặt khác linh hoạt ứng tác với người xem, lôi cuốn họ hòa mình vào từng cảnh diễn.

Địa đạo xưa - trải nghiệm mới

Cách trung tâm thành phố khoảng 70km về phía Tây Bắc, “đất thép thành đồng” Củ Chi đi vào những trang sử vàng của dân tộc như một huyền thoại trong thế kỷ 20. Là kỳ quan quân sự độc đáo, sáng tạo của quân, dân ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Địa đạo Củ Chi thể hiện nghệ thuật chiến tranh nhân dân, biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trên thế giới đến nay có một chưa hai.

Không ngẫu nhiên khi di tích này luôn trong top các điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn bậc nhất trên bản đồ du lịch của thành phố mang tên Bác. Từng đến Củ Chi, tôi đã có phút giây kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương thơm, lặng người trước những dòng chữ mạ vàng khắc tên hơn 46.000 anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng kín các tường đá hoa cương trong Đền tưởng niệm Bến Dược.

Tôi cũng không quên chui xuống lòng đất, xuyên qua mấy chục mét địa đạo ngắn ngủi - hẳn “không thấm tháp gì” so với quy mô 3 tầng đồ sộ, dài hơn 250km của hệ thống địa đạo rộng lớn này, nhưng cũng đủ để biết cảnh lom khom người, rạp sát mình, nhích từng chút một trong đường hầm hẹp tối, hai bắp chân căng cứng lại, mồ hôi lấm tấm ướt mặt. Trong căn chòi lá bên bếp Hoàng Cầm, tôi còn được thưởng thức khoai mì chấm muối mè, món ăn dân dã bình dị của các chiến sĩ du kích năm xưa nay đã thành “đặc sản”.

Xem phim 3D về Địa đạo Củ Chi

Xem phim 3D về Địa đạo Củ Chi

Đến Địa đạo Củ Chi hôm nay, không riêng tôi, mà hẳn với nhiều du khách khác, hiểu biết và xúc cảm về khu di tích này sẽ được rộng mở hơn, trọn vẹn hơn qua tour đêm có tên gọi nên thơ - Trăng chiến khu - lấy bối cảnh ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, “kể” câu chuyện sinh hoạt về đêm của quân, dân Củ Chi trong vùng giải phóng giai đoạn 1961-1964.

Tái hiện trận càn Cedar Falls của địch vào vùng Tam giác sắt

Tái hiện trận càn Cedar Falls của địch vào vùng Tam giác sắt

18 giờ, tour bắt đầu. Để “khởi động” trước khi vào điểm nhấn của tour - đồng thời là cách khéo léo “níu” thêm thời gian, đợi trời chiều chập choạng tắt hẳn nắng, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống - du khách được xem sa bàn và phim ngắn 3D tái hiện trận càn Cedar Falls của địch vào vùng Tam giác sắt hồi tháng 1/1967.

Theo chân hướng dẫn viên, đoàn khách sau đó bắt đầu di chuyển vào khu tái hiện vùng giải phóng, trước cổng treo khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết chống quân xâm lược/Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, bên trên là lá cờ Mặt trận Dân tộc.

Cảnh đào hầm trong đêm

Cảnh đào hầm trong đêm

Đi vào nơi đây giữa trời đêm là cảm giác khác hẳn. Từ xa, chúng tôi vẳng nghe tiếng nói chuyện râm ran. Mở đầu là cảnh bà con Củ Chi đào hầm trong đêm. Qua lời thoại, du khách sẽ có được thông tin cơ bản về thời gian và lý do ra đời của địa đạo ngay từ thời kháng Pháp, sau được mở rộng trong thời chống Mỹ, trước sự leo thang khốc liệt của chiến tranh.

Tái hiện cảnh đan lát của bà con Củ Chi ở chiến khu xưa

Tái hiện cảnh đan lát của bà con Củ Chi ở chiến khu xưa

Rảo bước đường mòn, xuyên qua những bụi tre lòa xòa bóng lá, chúng tôi lần lượt xem tiếp chương trình. Này là cảnh bà con tráng bánh, nấu rượu, đan lát, xay lúa, giã gạo, tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực phục vụ kháng chiến. Đây là cảnh trạm thông tin, người dân trong ấp tập trung nghe cán bộ thông báo tình hình chiến sự. Hay, chạm đến trái tim của nhiều du khách hơn cả là cảnh thanh niên trai tráng hăng hái đăng ký tòng quân đánh giặc, với người mẹ già bịn rịn tiễn con lên đường...

Cảnh trai tráng đăng ký tòng quân và người mẹ bịn rịn tiễn con lên đường

Cảnh trai tráng đăng ký tòng quân và người mẹ bịn rịn tiễn con lên đường

Trong đêm vắng, chợt có tiếng ếch nhái kêu rền, lại nghe trong gió thoảng hương ruộng đồng. Thì ra, đoàn đã đến cụm cảnh tái hiện thanh niên nam nữ cấy lúa, cất giọng hò dưới trăng, gợi phút thanh bình hiếm hoi giữa thời lửa đạn.

Chàng trai: “Hò ơ... ta thương nhau hẹn mùa hỏi cưới, nhưng quân thù cày xới quê hương... ”.

Cô gái tiếp: “Lòng ta đầy đặn yêu thương, nhưng đành gác lại... hò ơ... nhưng đành gác lại... ra chiến trường xông pha...”.

Hay quá! Hay quá! Du khách vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi qua khu chợ quê, dừng chân thưởng thức ly nước mát cùng các món ngon như bánh xèo, hột vịt lộn, cháo gà...

Ăn khoai mì đào hầm địa đạo

Ăn khoai mì đào hầm địa đạo

Thưởng thức đặc sản Củ Chi bên ánh đèn dầu

Thưởng thức đặc sản Củ Chi bên ánh đèn dầu

Khép lại là cảnh đoàn văn công về biểu diễn phục vụ quân, dân giữa rừng. Sân khấu dã chiến. Cảnh trí đơn sơ. Đang hát giữa chừng, ầm ầm có tiếng bom rơi pháo dội, tiếng máy bay địch tuần tiễu trên đầu...

Đoàn văn công biểu diễn phục vụ quân, dân giữa rừng

Đoàn văn công biểu diễn phục vụ quân, dân giữa rừng

Cùng ánh trăng, ngọn đèn dầu, cây đèn măng-xông hay bó đuốc xuyên suốt chương trình nhắc du khách rằng, họ đang tham gia một tour đêm đích thực. Ở đó ánh lên tinh thần lạc quan, niềm tin son sắt, ý chí kiên cường, thấm đẫm tình đất tình người Củ Chi.

Tour đêm, và hơn thế nữa

Trải nghiệm Trăng chiến khu, du khách lớn tuổi nói, họ như được “sống lại” cuộc sống ngày xưa. Còn du khách trẻ tuổi, nói theo ngôn ngữ Gen Z, họ được “xuyên không” trở về quá khứ hào hùng của cha ông.

Du khách thưởng thức các món ăn đặc sản Củ Chi ở chợ quê

Du khách thưởng thức các món ăn đặc sản Củ Chi ở chợ quê

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, cho biết sau những đợt đón khách đầu tiên trong tháng 3-4/2024, Trăng chiến khu nhận được phản hồi tích cực của du khách. Hướng đến đối tượng khách trong nước là chính, song về lâu dài, ông nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các công ty lữ hành để giới thiệu tour này với khách quốc tế. Những tour đầu tiên, dù chưa nhiều nhưng qua phản hồi, một số khách quốc tế có tham gia đều rất thích. Chúng tôi sẽ cố gắng có giải pháp để họ “dễ hiểu” hơn khi xem chương trình”.

Du khách quốc tế tham gia tour Trăng chiến khu

Du khách quốc tế tham gia tour Trăng chiến khu

Chắc chắn sẽ cần thêm nhiều nỗ lực nữa để tiến tới hoàn thiện tour đêm ở Địa đạo Củ Chi, tạo sức hấp dẫn lâu dài cho sản phẩm. Song bước đầu, ít nhất Trăng chiến khu đã xác lập hướng đi của mình với những nét riêng có. Thông qua khai thác, phát huy các giá trị quý báu của một di tích quốc gia đặc biệt, một “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đã mở ra kỳ vọng mới trong phát triển du lịch các huyện ngoại thành của TP.HCM.

Đó cũng là cách thức một điểm đến tưởng chừng rất đỗi quen thuộc như Địa đạo Củ Chi tự “làm mới” chính mình trong mắt du khách gần xa.

Bài: Thịnh Huỳnh, Ảnh: Thịnh Huỳnh, Hồng Phúc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/dia-dao-cu-chi-nhung-la-dem-c14a74260.html