Di sản phong lưu của Thành Cát Tư Hãn

Bạn có biết, cứ trong khoảng 200 người trên thế giới ngày nay thì có một người là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn?

Hậu cung của Thành Cát Tư Hãn vô cùng đa dạng dân tộc. Ảnh: Thecollector.com

Hậu cung của Thành Cát Tư Hãn vô cùng đa dạng dân tộc. Ảnh: Thecollector.com

Với hậu cung khổng lồ, không giới hạn dân tộc, tôn giáo… đại hãn này đã biến nhiễm sắc thể Y của ông thành “siêu Y”, để lại di sản hậu duệ mở rộng không ngừng nghỉ.

Hậu cung đa sắc nhất

Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) nổi tiếng là nhà chinh phục hùng mạnh nhất lịch sử. Kỵ binh Mông Cổ của ông tràn qua thảo nguyên, càn quét toàn bộ Trung Quốc, chiếm lĩnh vùng Đồng bằng miền Trung và Tây Tạng, vươn tới tận biển Caspian.

Vào thời điểm Thành Cát Tư Hãn băng hà, đế chế của ông bao phủ phần lớn Nga, Trung Quốc, Trung Đông, Trung Á và chiếm trọn Con đường Tơ Lụa. Nhân loại phải công nhận, Đế chế Mông Cổ do ông tạo dựng nên là đế chế tiếp giáp lớn nhất mọi thời đại.

Nếu Thành Cát Tư Hãn chiếm đâu được đó thì các hậu duệ của ông lại thất bại trong việc quản lý lãnh thổ quá rộng lớn. Dần dà, Đế chế Mông Cổ mất đi diện tích và cuối cùng sụp đổ. Tham vọng quân sự của Thành Cát Tư Hãn vỡ nát song, một thành tích đáng nể khác lại xuất hiện và vĩnh viễn gây kinh ngạc cho thế giới. Đó là di sản hậu duệ cực kỳ đông đúc.

Trên phương diện chiến tranh, Thành Cát Tư Hãn hết sức tàn bạo và đã thực hiện không ít vụ diệt chủng. Ước tính, số cái chết dưới tay ông là khoảng 40 triệu người, tương đương 11% dân số thế giới thời bây giờ.

Thế nhưng, trên phương diện nhân sinh, Thành Cát Tư Hãn lại khá khoan dung. Ông nghênh đón mọi tín ngưỡng và sắc tộc quy thuận mình, không phân biệt đối xử với người Hồi giáo hoặc Phật giáo… cũng chẳng kỳ thị người da trắng hay người da vàng.

Về mặt chính thức, Thành Cát Tư Hãn có tổng cộng 44 thê, thiếp. Tuy nhiên, nếu xét cả các mối quan hệ không qua cưới hỏi, các nhà sử học tin rằng số vợ của ông phải lên đến 500 người. Hầu hết họ đều là những phụ nữ xinh đẹp bị cướp khỏi gia đình, quốc gia trong các cuộc đánh chiếm của Thành Cát Tư Hãn và một số người còn là “quà tiến cống” để bày tỏ sự phục tùng.

Theo ghi nhận, hậu cung của Thành Cát Tư Hãn gồm 4 cung, mỗi cung được một trong 4 người vợ chính thức của ông là Bật Tê, Khulan, Yesui và Yesugen cai quản. Trong 4 người này, Bật Tê được công nhận là vợ cả và hoàng hậu quyền lực nhất, có quyền cao hơn 3 người còn lại.

Bảo vệ hậu cung của Thành Cát Tư Hãn là đội cận vệ hoàng gia được đặt tên Kheshig. Họ kiêm thêm một nhiệm vụ là theo dõi vị trí của Thành Cát Tư Hãn vì mỗi đêm, đại hãn này đều ghé qua rất nhiều lều. Kết quả, ông có thể đã có đến hơn 1.000 người con.

Ước đoán, Thành Cát Tư Hãn phải có hơn 1.000 người con. Ảnh: Thecollector.com

Ước đoán, Thành Cát Tư Hãn phải có hơn 1.000 người con. Ảnh: Thecollector.com

Hậu duệ siêu đông đúc

Lịch sử Mông Cổ không để lại tư liệu về số lượng người con của Thành Cát Tư Hãn, chỉ ghi tên con cái mà ông có với đại hoàng hậu Bật Tê. Họ bao gồm 4 trai, 5 gái, tổng cộng 9 người. Tư liệu cùng thời cũng không thống kê số con cái của Thành Cát Tư Hãn, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn thống nhất rằng ông có tổng cộng 120 người con chính thức.

Trong số các con của Thành Cát Tư Hãn với Bật Tê, có người con trai cả là Truật Xích luôn bị nghi ngờ không phải dòng máu của ông. Bởi vì, không lâu sau khi ông và Bật Tê kết hôn, đại hoàng hậu đã bị nhà Mergid bắt cóc và đem tặng cho người khác như chiến lợi phẩm.

Bất chấp bị ngờ vực, Truật Xích vẫn được công nhận là con của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi vua cha qua đời, ông thừa kế 4 phân khu chính của Đế chế Mông Cổ, cai trị phần lớn Tây Nga và Đông Âu, vùng đất mà ngày nay là từ Ukraine đến Kazakhstan.

Thành Cát Tư Hãn xứng danh 'người cha của Mông Cổ' theo đúng nghĩa đen. Ảnh: Thecollector.com

Thành Cát Tư Hãn xứng danh 'người cha của Mông Cổ' theo đúng nghĩa đen. Ảnh: Thecollector.com

Con trai thứ 2 của Thành Cát Tư Hãn với Bật Tê, Sát Hợp Đài thì thừa kế Hãn quốc Chagatai, bao gồm một phần của Kazakhstan và phần lớn Trung Á. Con trai thứ 3, Oa Khoát Đài thành lập thủ đô Karakorum, được ghi nhớ là minh quân. Con trai thứ 4, Đà Lôi thừa kế mảnh đất tổ, sau này sinh ra Hốt Tất Liệt (người thành lập triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc) và Mông Kha (người cai trị Ilkhanate bao trùm phần lớn Trung Đông).

Các con gái của Thành Cát Tư Hãn với Bật Tê cũng nắm giữ các vị trí quyền lực cao. A Lạt Hải Biệt Các cai trị bộ tộc Ongud, Xà Xà Cán cai trị người Oirat. Sau khi Xà Xà Cán qua đời vào năm 1337, Oa Khoát Đài đã quản lý vùng đất của bà và trong thời gian này, khoảng 4.000 cô gái Oirat đã bị cưỡng bức…

Ngoài con cái với Bật Tê, Thành Cát Tư Hãn còn 4 người con nổi tiếng khác là Ngột Lỗ Xích, Sát Ngột Nhi, Thuật Nhi Triệt và Khoát Liệt Kiên. Họ đều có hậu cung lớn và “con đàn cháu đống”.

Năm 2003, một nghiên cứu kiểm tra nhiễm sắc thể Y của người dân châu Á đã cho thấy 8% đàn ông ở các khu vực từng dưới sự kiểm soát của Thành Cát Tư Hãn là hậu duệ trực tiếp của ông. 8% này tương đương với khoảng 0,5% tổng nam giới trên thế giới, tức là khoảng 20 triệu người.

Giả sử, số lượng nữ hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn cũng tương đương thì tổng số hậu duệ của ông sẽ là 40 triệu người. Dân số thế giới hiện 8 tỷ người nên trung bình, cứ trên 200 người thì có một người là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn.

Ngoài châu Á, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn còn có mặt khắp thế giới vì sự di cư, nhập cư. Có vẻ như, đâu đâu trên Trái đất này cũng có hậu duệ của ông.

Trong khi người Mông Cổ chỉ gọi Thành Cát Tư Hãn là “người cha của dân tộc” để ghi nhớ chiến công quân sự của ông thì vị đại hãn này lại xứng danh “người cha của dân tộc” theo nghĩa đen. Ông đích thực là tổ tiên của vô số người Mông Cổ bây giờ và di sản hậu duệ của ông còn tiếp tục mở rộng trong tương lai.

Theo thecollector.com

Vũ Thị Huế

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-san-phong-luu-cua-thanh-cat-tu-han-post683658.html