Đề xuất đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng trong các cơ sở y tế và bổ sung vào 'Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...'

Trả lời các kiến nghị này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Thông tư số 29 năm 2021 quy định Bộ LĐ-TB&XH quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Ngoài ra, Bộ sẽ xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.

Đề xuất đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại (Ảnh minh họa)

Hằng năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề theo phương pháp đã được Bộ LĐ-TB&XH quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, đánh giá điều kiện lao động của các nghề, công việc.

Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước.

Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, theo Bộ trưởng GD&ĐT, trong dịch COVID-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên họ.

Vì vậy Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn.

Đồng thời, ông Sơn cho hay đang phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ, ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp Bộ LĐ-TB&XH đang xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để động viên đối tượng này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, cả nước hiện có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia BHXH, rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi trao đổi với đề xuất của một số cử tri ở Hải Phòng (tháng 1/2024) về việc hạ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét bổ sung nghề giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào danh mục nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tại đây, nêu quan điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề này cần được đánh giá một cách đầy đủ.

Thực tế có những giáo viên mầm non, tính chất công việc thật sự nặng nhọc, nguy hiểm (như giáo viên cắm bản, ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn) nhưng không phải mọi giáo viên mầm non đều vậy.

"Trên thế giới chưa có quốc gia nào đưa giáo viên mần non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu vấn đề này ở một thời điểm thích hợp", ông Dung khẳng định.

Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.

Phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn

Nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách...

Cụ thể, nghỉ phép năm: Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ phép hằng năm 14 ngày hưởng nguyên lương.

Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:

40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).

Chế độ hưu trí: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/bao-hiem-xa-hoi/de-xuat-dua-giao-vien-mam-non-vao-nganh-nghe-nang-nhoc-doc-hai-20240429180617405.htm