Để không còn giáo viên bỏ việc

Nhiều năm qua, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ luôn là vấn đề nan giải của ngành Giáo dục.

Thống kê mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tính từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, cả nước có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ giáo viên dưới 35 tuổi bỏ việc còn nhiều.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng. Lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.

Đáng nói hơn, mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục đã quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi ở một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu…

Thiếu giáo viên, nhưng việc tuyển dụng giáo viên mới cũng không hề dễ, dù lượng sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp hằng năm không ít. Điều này đồng nghĩa với việc lãng phí ngân sách khi thực hiện chính sách miễn giảm học phí với sinh viên theo học ngành sư phạm.

Theo các chuyên gia, để giải quyết tận gốc vấn đề giáo viên bỏ việc, cần làm tốt 2 việc, đó là thu nhập tốt và điều kiện làm việc tốt.

Để nâng cao thu nhập cho giáo viên, chúng ta cần có các giải pháp thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, đó là “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Hiện nay, hàng triệu giáo viên đang đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào việc cải cách tiền lương, thực hiện từ ngày 1-7-2024 tới đây, sẽ giải quyết được bài toán thu nhập để bảo đảm cuộc sống cho đội ngũ giáo viên. Đây được xem là giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc cũng như giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó, để giảm áp lực, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Nếu Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh nhà giáo, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.

Muốn “giữ chân” giáo viên, các địa phương cũng cần thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng.

Cùng với đó, các trường học cần xây dựng môi trường văn hóa, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể; tạo dựng các mối quan hệ hài hòa giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với nhau, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, ngành Giáo dục cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giáo viên để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp giáo viên yên tâm công tác, tự hào, tự tôn về nghề.

Ngoài ra, một giải pháp cần được quan tâm là tiếp tục mở rộng hệ thống trường ngoài công lập để góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, tăng tính cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-khong-con-giao-vien-bo-viec-666201.html