Đề khảo sát Ngữ văn: Những khoảng lặng trong cuộc sống mỗi con người

Câu nghị luận xã hội đề khảo sát môn Ngữ văn 12 tỉnh Ninh Bình yêu cầu thí sinh bàn về sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống mỗi con người.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Trong đoạn (3) của văn bản, những câu chuyện bình thường được nhắc đến là: bữa cơm trưa nay sẽ có món gì; ngày mai luống rau nào sẽ thu hoạch; khuya qua gió lạnh nào về; chiếc áo nào cần giặt.

Câu 3. Tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc "Thôi mình ngồi xuống đây..." nhằm tạo nhịp điệu chậm rãi, trầm lắng cho bài thơ. Nhấn mạnh nỗi suy tư của nhân vật trữ tình: đó là lời tự nhủ, tự nhắc, cũng là lời khuyên hữu ích với con người cần biết sống chậm, có những khoảng lặng cần thiết cho tâm hồn. Qua đó, thể hiện tình yêu và sự trân trọng cuộc sống.

Câu 4. Gia đình luôn là nơi chốn bình yên nhất cho con người tìm về sau bao thăng trầm của cuộc sống. Cần khắc ghi công ơn lớn lao, sâu nặng của đấng sinh thành.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống mỗi con người: Khoảng lặng là những phút giây mà chúng ta tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn; được sống thoải mái mà không phải lo âu hay suy nghĩ bất cứ điều gì.

Khoảng lặng rất cần thiết với mỗi con người trong cuộc sống: Giúp cuộc sống thêm thư thái, giải tỏa những áp lực tinh thần, cân bằng lại cuộc sống. Giúp con người nhìn lại chính mình, nhận ra những giá trị thực sự của cuộc sống. Giúp cân bằng các mối quan hệ xã hội, biết sống chậm lại để lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương, gắn bó với mọi người.

Câu 2. Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

Cảm nhận đoạn trích:

- Thạch trận trên Sông Đà:

+ Đội quân đá đông đảo, lực lượng hùng hậu.

+ Tâm địa nham hiểm, xảo quyệt: thiết lập thành các trùng vi thạch trận hung hãn, quyết trấn giữ lòng sông để tiêu diệt những con thuyền đi qua.

Thạch trận sông Đà thể hiện vẻ đẹp dữ dội, kì vĩ của dòng sông, là biểu tượng của chất vàng trong thiên nhiên Tây Bắc.

- Trận thủy chiến trên Sông Đà – trùng vi thạch trận vòng thứ nhất:

+ Đá và nước: nham hiểm, xảo quyệt, tấn công dồn dập, tạo nên thứ âm thanh dữ dội như uy hiếp tinh thần của ông đò; dùng đến những miếng đòn hiểm độc nhất nhằm khuất phục đối thủ. (thách thức hất hàm đòi xưng tên tuổi khi giao chiến, đá thác như thể quân liều mạng đá trái thúc gối; nước như đô vật túm thắt lưng ông đò)

+ Ông lái đò: Nhỏ bé, đơn thương độc mã (một con thuyền và sáu bơi chèo). Bình tĩnh, quả cảm, sẵn sàng đối mặt với sóng nước Sông Đà; tinh thần chiến đấu kiên cường, bản lĩnh, sức chịu đựng phi thường: hai chân kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch nhưng tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn và bình tĩnh… Ông đò đã dần chiếm được thế chủ động trong cuộc chiến.

Thế trận giằng co, quyết liệt.

+ Kết quả: Ông đò đã cùng con thuyền vượt qua vòng thứ nhất.

Con người nhỏ bé đã chiến thắng thiên nhiên hung dữ bằng tài năng, trí tuệ và bản lĩnh.

- Nghệ thuật: So sánh, liên tưởng phong phú; sử dụng nhuần nhuyễn nhiều thủ pháp nghệ thuật: nhân hóa, điệp...

+ Ngôn từ độc đáo, lối diễn đạt mới mẻ, cuốn hút; nhiều kết hợp từ độc đáo in đậm dấu ấn Nguyễn Tuân. Sử dụng đa dạng kiến thức của nhiều lĩnh vực (quân sự, võ thuật, điện ảnh…).

=> Đoạn văn thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Hình ảnh ông lái đò được khắc họa nổi bật trên nền thiên nhiên hùng tráng, kì vĩ. Ông đò hiện lên là vị chỉ huy chiến trận tài ba, dũng cảm trên mặt trận thác đá sông Đà. Ông là hình ảnh tiêu biểu cho con người lao động mới trong công cuộc xây dựng Tây Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là chất vàng mười của con người Tây Bắc mà Nguyễn Tuân tìm kiếm.

Nhận xét cách nhìn của Nguyễn Tuân về con người lao động trong đoạn trích:

- Nguyễn Tuân luôn nhìn nhận con người từ góc độ tài hoa, nghệ sĩ. Trước Cách mạng, hình ảnh người nghệ sĩ mà ông hướng tới là những người có tài năng, khí phách phi thường; sau Cách mạng hình tượng người nghệ sĩ có thể tìm thấy ở ngay trong cuộc chiến đấu, lao động sản xuất hàng ngày.

- Nhà văn vận dụng vốn hiểu biết sâu rộng ở mọi lĩnh vực kết hợp với sự độc đáo, uyên bác, điêu luyện trong việc tiếp cận, nhìn nhận con người.

- Quan điểm nghệ thuật tiến bộ của nhà văn Nguyễn Tuân. Cái đẹp của con người thời kì này trong nhìn nhận của Nguyễn Tuân là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở sinh sôi, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.

- Tình cảm gắn bó, sự trân trọng, nâng niu đối với con người lao động; tình cảm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc; thể hiện tình yêu với quê hương xứ sở của nhà văn.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-nhung-khoang-lang-trong-cuoc-song-moi-con-nguoi-17924051712450627.htm