ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: BỎ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN ĐÀO TẠO NGHỀ ĐẤU GIÁ LÀ CẦN THIẾT VÀ PHÙ HỢP

Góp ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc dự thảo Luật bỏ quy định 'các trường hợp miễn đào tạo nghề đấu giá' là cần thiết và phù hợp.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 2627/BC-UBKT15 ngày 12/3/2024 về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH ngày 21/3/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (trong đó một số điều, khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung).

Phát biểu góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, về cơ bản, tôi nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

Các đại biểu tại hội nghị

Các đại biểu tại hội nghị

Để tiếp tục góp ý đối với dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, về trường hợp thay đổi địa điểm đấu giá của dự thảo Luật, Khoản 2 Điều 37 quy định, trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà địa điểm tổ chức cuộc đấu giá không đáp ứng điều kiện tổ chức thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện: Thỏa thuận thống nhất với người có tài sản đấu giá bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm và Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá cho người tham gia đấu giá đủ điều kiện.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần quy định cụ thể hình thức thông báo việc thay đổi cho người tham gia đấu giá bằng văn bản hay chỉ cần thông tin qua các thiết bị thông minh như email, tin nhắn để đảm bảo người đủ điều kiện tham gia đấu giá được thông tin đầy đủ, kịp thời về cuộc đấu giá. hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền của người tham gia đấu giá trong quá trình triển khai thực hiện Luật.

Liên quan đến tiêu chuẩn đấu giá viên và đào tạo nghề đấu giá tại Điều 11, điều 12 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ tán thành với dự thảo luật lần này và báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Theo đại biểu, việc bỏ quy định “các trường hợp miễn đào tạo nghề đấu giá” là cần thiết và phù hợp. Bởi thời gian tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá không quá dài, theo quy định của dự thảo là 06 tháng, nên cũng rất thuận lợi cho người có nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng theo nghề đầu giá tham gia đào tạo.

Việc tham gia khóa đào tạo sẽ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cơ bản cho các đấu giá viên tương lai, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá. Quy định này cũng là phù hợp trong bối cảnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá nói riêng hiện nay.

Đối với việc xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá tại Điều 70 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc của nhà đầu tư để thổi giá đất thị trường lên cao diễn ra như hiện nay, việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, bản chất quan hệ đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, tôn trọng thỏa thuận giữa các bên, vì vậy, nên cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp xử lý được đưa ra, tránh sự can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự; nhất là khi chúng ta đã có những quy định để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu có vi phạm trong hoạt động đấu giá, cùng với đó Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025 cũng sẽ góp phần khắc phục một số những bất cập tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

Đối với quy định “cấm tham gia đấu giá” tại khoản 2 điều 70, nữ đại biểu đề nghị, cân nhắc bổ sung cụ thể trường hợp áp dụng như sau: trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị hủy từ 2 lần trở lên trong thời hạn 1 đến 2 năm liên tục thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá. Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc thổi phồng giá trị tài sản mà vẫn có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá./.

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85694