Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm cấm người dân lập chốt thu phí trên các tuyến đường

Trước tình trạng nhiều người dân tự ý lập chốt thu phí, Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vào Dự án Luật Đường bộ.

Cho ý kiến về một số quy định tại Dự án Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) ghi nhận dự thảo Luật trình lần này đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung phù hợp.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Theo đại biểu, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác Nghị định 100/2029/NĐ-CP đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp như các quy định tại Chương IV dự thảo Luật Đường bộ quy định về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô (từ Điều 57-60), vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (từ Điều 61 -64), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 65), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 66), hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô (Điều 70).

Hơn nữa, nhiều quy định trong dự thảo Luật Đường bộ có quy định nội dung dẫn chiếu đến việc thực hiện của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét, nghiên cứu chuyển nội dung quy định về tổ chức vận tải đường bộ sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Cùng cho ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm tại Dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm là lấn chiếm sử dụng xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tuy nhiên, quy định này cần phải loại trừ đối với các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật hoặc thể hiện lại khoản 3 Điều 7.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) thảo luận

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) thảo luận

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trong khi đó khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật quy định tổ chức cá nhân khi xây dựng, cải tạo, mở rộng bảo trì công trình và tiến hành các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được phép theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật.

“Như vậy, đối với các hành vi cải tạo, mở rộng công trình và các hoạt động khác nếu không được phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ có bị coi là vi phạm điều cấm hay không? Tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định về các hành vi bị nghiêm cấm một cách đầy đủ, bao quát” - đại biểu Cầm Thị Mẫn đề xuất.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-nghiem-cam-nguoi-dan-lap-chot-thu-phi-tren-cac-tuyen-duong-post576996.antd