Cuộc thi KHKT cho học sinh: Làm gì để tránh dự án 'lạc đề', xa rời thực tế?

Quy chế sửa đổi của Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học nhằm hướng tới một kì thi công bằng, thực chất.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (còn được gọi là ViSEF).

Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2024 và thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT. Theo đó, quy chế năm nay có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Mở rộng sân chơi, tăng cơ hội đoạt giải

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ - Kỹ sư Nguyễn Minh Huy (Trường Điện - Điện tử của Đại học Bách Khoa Hà Nội), người có gần 10 năm kinh nghiệm dẫn dắt các đội tuyển tham dự kì thi cấp quốc gia chia sẻ: “Những người nghiên cứu khoa học như tôi và những bạn học sinh đam mê khoa học rất mong chờ đến tháng 3 hàng năm để tham gia cuộc thi ViSEF. Đây là sân chơi bổ ích, là nơi để các thầy cô, các bạn học sinh có thể trao đổi với nhau những kiến thức mới, những kinh nghiệm, những ý tưởng sáng tạo”.

Khi Quy chế mới được ban hành, Thạc sĩ Nguyễn Minh Huy vui mừng vì sân chơi đã được mở rộng và cơ hội đoạt giải của học sinh cao hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Huy cùng các học sinh tại Cuộc thi ViSEF (Ảnh: NVCC)

Đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa 3 dự án dự thi. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 6 dự án dự thi.

Đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 2 dự án dự thi. Đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng ký tối đa 6 dự án. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 dự án dự thi.

Tổng số giải của cuộc thi đã tăng từ 50% lên 60% tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải Nhất không vượt quá 10% tổng số giải, số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại không vượt quá 30% tổng số giải. Còn theo quy chế cũ, tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi trong từng lĩnh vực không quá: 5% giải Nhất; 10% giải Nhì; 15% giải Ba; 20% giải Tư.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Huy khẳng định: “Quy chế mới sẽ thúc đẩy các bạn học sinh và các giáo viên tự tin hơn, sáng tạo hơn vì được trao cơ hội nhiều hơn. Các bạn học sinh có nhiều cơ hội đoạt giải hơn, mở rộng sân chơi cho các học sinh ở các trường khác nhau kể cả công lập lẫn ngoài công lập”.

Thầy Phạm Đình Mẫn, giáo viên Trường trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình), người từng hướng dẫn học sinh “chinh chiến” ViSEF từ năm 2014 với hàng loạt giải thưởng danh giá chia sẻ sự ủng hộ với quy chế năm nay.

Thầy Phạm Đình Mẫn (người thứ 2 từ bên trái) dẫn dắt đội tuyển tham dự ViSEF 2023 (Ảnh: NVCC)

So sánh với kì thi học sinh giỏi quốc gia, thầy Mẫn cho biết: “Hiện tại mỗi đội tuyển khoa học kĩ thuật chỉ có 2 người, mỗi tỉnh có 2-3 đội tuyển, mọi năm chỉ 50% dự án đoạt giải. Trong khi số đội tuyển Học sinh giỏi gấp 15 lần, số lượng giải thưởng là 60% tổng số thí sinh. Vì vậy, tăng số lượng giải thưởng trong kì thi khoa học kĩ thuật là hợp lý, vì nghiên cứu khoa học khó khăn hơn rất nhiều”.

Đảm bảo đề tài phù hợp lứa tuổi, năng lực học sinh

Dù vẫn giữ nguyên 22 lĩnh vực dự thi như cũ, trong yêu cầu của cuộc thi theo Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có ghi: "Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông". Đây được xem là quy định nhằm hạn chế một số dự án quá sức, ở tầm thạc sĩ, tiến sĩ.

Thầy Nguyễn Minh Tú - giáo viên tổ Vật lý - Công nghệ - Tin học, Trường trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, (tỉnh Lạng Sơn) người đã giúp học sinh mang về 14 giải thưởng trong Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia bày tỏ: Từ chương trình giáo dục phổ thông mà các em được học, học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi. Trong quá trình học, các em cũng được tạo nhiều cơ hội học tập và trải nghiệm tại cao đẳng nghề, các cơ sở khoa học có tiếng.

Những năm qua, vẫn còn ý kiến trái chiều trong dư luận, cho rằng một số dự án có sự can thiệp quá nhiều từ chuyên gia, chưa phản ánh đúng năng lực học sinh.Để duy trì sân chơi bổ ích này và đảm bảo học sinh có thể tham gia học hỏi đúng với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, giáo viên phải nắm rất rõ về quy trình nghiên cứu để giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho học sinh.

Thầy Nguyễn Minh Tú đưa đội tuyển trường dự thi ViSEF (Ảnh: NVCC)

"Đó là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu học sinh phải có nhật kí khoa học, để ghi lại những việc các em đã được làm.

Trong thể lệ của cuộc thi hoàn toàn không cấm các em có sự trợ giúp của cơ quan chuyên môn, các viện, các nhà khoa học, bộ phận kỹ thuật. Nhưng các em phải hiểu nguyên lý, vì sao phải làm thế này mà không làm thế kia”, thầy Tú cho hay.

Thử thách mới cho giáo viên hướng dẫn

Trong Quy chế năm nay, mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 dự án dự thi trong 01 lần tổ chức cuộc thi, chứ không được hướng dẫn cùng lúc 02 dự án như trước đó.

Thầy Phạm Đình Mẫn chia sẻ: “Về mặt tích cực thì quy định này làm cho nhiều giáo viên tham gia hướng dẫn hơn, nhưng chất lượng dự án cũng cần xem xét”.

Dù vậy, mỗi giáo viên chỉ hướng dẫn một đội sẽ tạo cơ hội cho các em có nhiều thời gian trao đổi với thầy cô hơn. Thạc sĩ Nguyễn Minh Huy giải thích: “Các em học sinh dù có nhiệt huyết, đam mê, nhưng không phải bạn nào cũng có kiến thức tốt từ ban đầu. Vì làm những sản phẩm khoa học kĩ thuật thì không chỉ đòi hỏi kiến thức ở trên trường như Toán - Lý - Hóa, mà còn phải vận dụng kiến thức bên lề như lập trình, điện - điện tử…

Các thầy cô giáo phải luôn trang bị cho các bạn những kiến thức đó từ sớm. Bản thân thầy cô cũng phải luôn trau dồi các kiến thức mới để hướng dẫn các bạn qua từng năm.

Bên cạnh đó, không chỉ cần làm xong sản phẩm đi thi, mà còn phải thuyết trình, phản biện. Nhiều bạn học sinh chưa từng hoặc rất ít cơ hội tham gia thuyết trình, tranh biện. Các thầy cô sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong quá trình luyện tập thuyết trình phản biện. Đây cũng là một kĩ năng rất quan trọng cho các bạn trong tương lai”.

Để tránh những dự án “lạc đề”, xa rời thực tế

Từ kinh nghiệm ở lĩnh vực Vật lí - Kĩ thuật - Tin học, thầy Nguyễn Minh Tú chỉ ra trong quá trình thực hiện các dự án những năm qua còn tồn tại một số hạn chế như:

Thứ nhất, quy trình nghiên cứu thể hiện chưa rõ, học sinh chưa quan tâm đến việc thử nghiệm, đánh giá, cải tiến chất lượng sản phẩm qua các lần thử nghiệm (kết quả thực nghiệm chưa rõ).

Thứ hai, việc tìm hiểu thực trạng, tổng quan vấn đề nghiên cứu chưa tốt dẫn đến chưa có tính mới mà lặp lại các sản phẩm đã dự thi hoặc các sản phẩm đã có trên thị trường.

Thứ ba, học sinh chưa hiểu rõ và chưa tham gia nhiều vào quá trình nghiên cứu, có dự án học sinh chưa trả lời được câu hỏi của Ban giám khảo về nội dung dự án.

Thứ tư, nhiều poster trình bày chưa khoa học, còn nặng về mô tả bằng lời, nội dung không trọng tâm, không nêu bật được kết quả nghiên cứu.

Thứ năm, chưa có nhật ký khoa học, một số số liệu chưa đáng tin cậy. Nhiều báo cáo khoa học viết sơ sài, không đi vào trọng tâm.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng dự án cần phân tích, làm rõ quy trình nghiên cứu, cách viết báo cáo khoa học đảm bảo đúng tiêu chí đánh giá, thể hiện rõ nội dung nghiên cứu và đảm bảo tính mới.

Thầy Nguyễn Minh Tú cho lời khuyên: “Để có kết quả tốt tại ViSEF, các em phải nắm vững quy trình nghiên cứu, thông tư của Bộ giáo dục và đào tạo, đi đúng hướng chứ không lạc đề.

Khi đi chấm thi tại sở giáo dục đào tạo cũng như tư vấn cho học sinh ở các trường, tôi thấy những dự án tính chất kĩ thuật, nhưng lại viết dưới dạng khoa học xã hội hành vi, như vậy đã không đảm bảo quy định chấm điểm.

Vấn đề nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn, vấn đề càng cấp thiết bao nhiêu càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Các em phải tìm hiểu kĩ về lịch sử nghiên cứu, xem các đề tài trước có ưu và nhược điểm gì phát huy và khắc phục”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Huy nhắn nhủ: “Cuộc thi ViSEF quan trọng nhất là các bạn xây dựng được ý tưởng đột phá, sáng tạo. Thứ hai là vạch ra cho mình một quy trình thực hiện nghiên cứu. Thứ ba là các bạn phải tìm tòi, học hỏi kiến thức liên quan đến sản phẩm để các bạn được trau dồi thêm trong quá trình thực hiện. Các bạn sẽ được học rất nhiều điều trong quá trình làm sản phẩm”.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cuoc-thi-khkt-cho-hoc-sinh-lam-gi-de-tranh-du-an-lac-de-xa-roi-thuc-te-post242600.gd