Có không ít 'ngộ nhận' về trường quốc tế, phụ huynh cần tỉnh táo khi chọn trường

Chuyên gia quản lý giáo dục lên tiếng trước việc nhiều sự cố xảy ra tại trường quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gần đây.

Thời gian đầy đây, vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) bị “vỡ nợ” và vụ việc giáo viên của Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh phát sách có nội dung nhạy cảm cho học sinh đọc đã gióng lên hồi chuông báo động cho các cơ quan quản lý nhà nước, phụ huynh trong việc quản lý, chọn trường quốc tế cho con em mình theo học.

Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh, người dân lầm tưởng trường có chữ "quốc tế" là trường quốc tế. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019, nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập; trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập; trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thành lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo điều 29, tên trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: Trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng. Mô hình này có thể được gọi chung là các cơ sở giáo dục có hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài. Từ “quốc tế” ở nhiều cơ sở giáo dục hiện được gắn vào tên trường với nghĩa danh từ nhằm thể hiện tên riêng mà không được hiểu với nghĩa tính từ nhằm thể hiện đẳng cấp thực sự của trường.

Là một nhà quản lý giáo dục lâu năm, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường quốc tế đúng nghĩa là trường giảng dạy theo chương trình nước ngoài, giáo viên cũng là người nước ngoài, dành cho một bộ phận người dân có điều kiện về mặt kinh tế theo học, do thường trường quốc tế thì học phí cao.

“Đây là một hình thức được gọi là du học tại chỗ với một chi phí vừa phải hơn là đi du học nước ngoài” – thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định.

Nếu kết thúc học phần tại trường quốc tế, học sinh có thể được du học chuyển tiếp đến trường ở nước ngoài, được công nhận học phần và xếp lớp tiếp tương ứng ở nước ngoài.

Về những đóng góp của hệ thống trường quốc tế vào hệ thống giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phải nhìn nhận rằng hệ thống các trường quốc tế tại Việt Nam đã có những đóng góp rất tốt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo điều kiện cho học sinh đi học chuyển tiếp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trường quốc tế nào để xảy ra những bê bối thì đương nhiên phải chịu sự xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Văn Ngai cũng cho rằng, trong những năm gần đây, việc phát triển nhiều hệ thống trường quốc tế tại Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần rất tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo thêm nhiều chỗ học cho con em người dân, nhất là đối với những gia đình có thu nhập cao.

Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: HSHCMC)

Ngoài một số trường quốc tế hiện nay đang hoạt động rất tốt, đáp ứng được nhu cầu cần có chỗ học cho con em người dân, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận việc một số trường tiếp thu có chọn lọc bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam của một số trường vẫn chưa tốt (ví dụ như vụ việc tại Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, trách nhiệm giải trình về mặt tài chính của một số trường quốc tế vẫn chưa cao, pháp luật quy định về việc giám sát rủi ro về mặt tài chính chưa được quan tâm đúng mức, không kiểm tra định kỳ về tài chính để ngăn chặn các dấu hiệu quản lý yếu kém, hoặc gian dối là nguyên nhân dẫn đến các trường học bị “vỡ nợ” (ví dụ như vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bị “vỡ nợ”).

Cơ quan quản lý nhà nước đã quên ban hành các quy định, hướng dẫn rõ ràng về các chương trình trả trước học phí, bao gồm cả các chính sách về hoàn trả, để bảo vệ các gia đình về khỏi những tổn thất về mặt tài chính có thể xảy ra.

Chính phủ cũng cần đảm bảo rằng, những chương trình này là minh bạch, công bằng và cung cấp quyền truy đòi cho người học trong trường hợp nhà trường không tuân thủ.

Qua hai vụ việc xảy ra tại hai trường quốc tế như vừa qua, thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định, trong một chừng mực nào đó, trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp đối với các trường quốc tế là chưa được chặt chẽ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích, tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố hiện nay đã có Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhưng không biết là nguồn nhân lực tại đây có quản lý được hết, chặt chẽ tất cả các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố không?

“Tôi cho rằng, trường nào làm không nghiêm túc, đúng theo đề án mở trường, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, việc thực hiện chương trình không đảm bảo thì cần phải được uốn nắn ngay, tránh để xảy ra những trường hợp như vài trường quốc tế trong thời gian gần đây” – thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ở huyện Nhà Bè (ảnh minh họa: V.D)

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, trong quá trình các trường hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục cần phải theo dõi kỹ, nhân rộng những mô hình thực hiện đúng quy định, những sai trái cần phải được phát hiện và sửa chữa kịp thời.

Sự việc xảy ra tại hai trường quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua là bài học cho phụ huynh khi lựa chọn trường quốc tế cho con em mình theo học.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, khi chọn trường, phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ, hoặc nhờ các chuyên gia tư vấn về giáo dục, pháp lý đưa ra được những lời khuyên thật hữu ích, để hiểu được thật đầy đủ các rủi ro nếu có và những biện pháp để tự bảo vệ mình.

Trong đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh rằng, chất lượng giáo dục của những trường học cần phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh.

Còn thầy Nguyễn Văn Ngai thì đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh cần có sự nghiên cứu thật kỹ những thông tin cơ bản về các trường quốc tế, như thông tin về chương trình, chất lượng dạy và học có đáp ứng được các mục tiêu mà mình mong mỏi ở học sinh hay không, chứ không chỉ dựa vào sự quảng cáo”.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất nên ban hành các quy định liên quan đến việc ổn định tài chính, hạn chế rủi ro cho người học, như giới hạn số tiền học phí ứng trước so với nguồn vốn của trường, để tránh lạm dụng quỹ học phí đóng trước, đảm bảo rằng các trường vẫn có khả năng thanh toán, cung cấp nền giáo dục có chất lượng trong thời gian dài.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc giám sát của cơ quan quản lý, hoặc của bên thứ ba cũng rất quan trọng, để đảm bảo rằng, nhà trường tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và cam kết, đồng thời đưa ra những cảnh báo sớm về khó khăn tài chính, hoặc hoạt động của trường học.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-khong-it-ngo-nhan-ve-truong-quoc-te-phu-huynh-can-tinh-tao-khi-chon-truong-post242874.gd