Cơ hội tiếp cận nguồn vốn 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng xanh

Tổ chức JETP bao gồm nhóm các đối tác quốc tế bao gồm các nước G7, các ngân hàng quốc tế và các tổ chức cho vay tư nhân cam kết giải ngân 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Đó là chia sẻ của ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital tại sự kiện DxHub, chủ đề “Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho doanh nghiệp sản xuất”.

Cụ thể, ông Minh nên lên thực tế hiện nay, 60% khi phát thải nhà kính đến từ ngành năng lượng, công nghiệp, năng lượng điện sản xuất từ hóa thạch đang chiếm hơn 40%, trong đó chiếm hơn 30% là than đá. Trước thực trạng này, chính phủ Việt Nam và quốc tế đã xác định các phương án thúc đẩy chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới. Thể hiện rõ nhất của chính phủ Việt Nam là Quy hoạch điện 8, đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 30,9% lên 39,2% vào năm 2030 và lên 71,5% vào năm 2050, năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng chủ đạo.

Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, bởi Tổ chức JETP bao gồm một nhóm các đối tác quốc tế bao gồm các nước G7, các ngân hàng quốc tế và các tổ chức cho vay tư nhân cam kết giải ngân 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ về chuyển dịch năng lượng bền vững. Ảnh: Xuân Thạch

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ về chuyển dịch năng lượng bền vững. Ảnh: Xuân Thạch

Ông Minh cũng nêu ra 3 lý do lớn nhất doanh nghiệp phải hướng đến chuyển đổi xanh đó là từ yêu cầu của thị trường, lợi ích kinh tế trong dài hạn, xây dựng thương hiệu một cách bền vững, trong đó luôn có sự song hành của chuyển đổi số.

Thứ nhất đó là yêu cầu của thị trường khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, lượng hàng xuất khẩu lớn, theo thống kê 2023, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, EU, Mỹ… Trong đó các thị trường lớn như EU, Mỹ có yêu cầu cao về báo cáo phát thải khí nhà kính, nếu không chuyển đổi nguy cơ “mất” thị trường rất cao.

Thứ hai, lợi ích cho doanh nghiệp cả về tài chính và phi tài chính khi sắp tới đầu tư tài chính cho chuyển đổi xanh giá cả sẽ tốt hơn nhiều. Đồng thời, khi tiếp cận xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải chuyển động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực nội tại của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đổi mới trong dài hạn.

Và cuối cùng, rất quan trọng đó hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp xanh, sạch, bền vững tạo nên tệp khách hàng trung thành.

“Đây là những lợi ích thiết thực, sát sườn khi doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng”, ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng, vì vậy mà trước khi triển khai cần có bước tìm hiểu, thu thập, đánh giá các chỉ số từ đó lựa chọn giải pháp nào là phù hợp với thực trạng, định hướng phát triển, mục tiêu ngắn và dài hạn. Và chắc chắn, để làm được việc này thì cần phải chuyển đổi số.

Ông Minh ví dụ, một doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng cao, họ chọn tối ưu về tiêu thụ năng lượng, sau đó họ sử dụng công nghệ IOT thu thập thông tin, Big Data, trí tuệ nhân tạo… nó giúp cho việc thu thập quá trình sử dụng năng lượng, tìm ra các khu vực có thể tối ưu, và triển khai tối ưu được ngay.

Điển hình như Walmart, họ triển khai trên 5.000 cửa hàng, trong quá trình triển khai đã giảm 18% lượng khí nhà kính trong việc tối ưu năng lượng. Hay như Coca Cola, việc quản lý chuỗi cung ứng, nhà cung cấp đầu vào, vận chuyển, tối ưu được khu vực này đóng góp đáng kể vào việc giảm 25% khí thải nhà kính.

Tại Việt Nam hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đã dần hình thức bức tranh tổng quan về chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng bền vững.

Cụ thể, Hòa Phát nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam khi triển khai nhà máy luyện thép Dung Quất 2 với diện tích gần 300ha, tổng số vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, đã đặt ra bài toán chuyển dịch và tối ưu năng lượng kết hợp chuyển đổi số. Hay như Vinamilk, đã có cải tiến nhỏ nhưng mang lại kết quả khá lớn đó là thay thế các xe nâng truyền thống bằng các robot nâng, giảm được hơn 60% lượng khí thải.

“Các nước họ đã đi rất xa từ việc tối ưu, thay thế, đột phá và mở rộng, còn tại Việt Nam hiện tại mới bắt đầu bằng việc tối ưu nguồn năng lượng đang sử dụng, chúng ta đang có suất đầu tư tốt và rẻ hơn rất nhiều. Cứ làm tốt trong ngắn hạn đã, sau đó mới nghĩ đến bài toán xa hơn” ông Minh nói thêm.

Ông Trần Quốc Hải, Giám đốc chuyển đổi năng lượng bền vững SP Group cho biết, bên cạnh việc tự đầu tư hệ thống sản xuất năng lượng xanh, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể mua lại năng lượng từ các bên cung ứng, tùy theo nhu cầu, mục tiêu kinh doanh, và điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Lựa chọn này bên cạnh việc linh hoạt và nhanh chóng hơn, còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư.

Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam. Ảnh Xuân Thạch

Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam. Ảnh Xuân Thạch

Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam cho biết còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề bất đồng bộ hạ tầng năng lượng lưới điện. Sự không đồng đều trong phát triển hạ tầng lưới điện có thể làm hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống mạng lưới, đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm. Thứ hai, thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng sạch.

Trước đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050. Các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-hoi-tiep-can-nguon-von-155-ty-usd-de-chuyen-doi-nang-luong-xanh-d110873.html